Hà Nội thông qua nghị quyết hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng tại vụ cháy quận Thanh Xuân
Hà Nội thông qua nghị quyết hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng tại vụ cháy quận Thanh Xuân. Ảnh: TL

Hỗ trợ đúng, công khai, minh bạch cho các đối tượng sau vụ cháy

Theo đó, HĐND TP. Hà Nội thống nhất mức hỗ trợ người phải cấp cứu và điều trị tại cơ sở y tế là 30 triệu đồng/người. Trường hợp phải cấp cứu và điều trị tại cơ sở y tế tử vong trong quá trình cấp cứu và điều trị thì được hỗ trợ thêm cho đại diện thân nhân người tử vong 20 triệu đồng/người từ ngân sách quận Thanh Xuân. Đơn vị thực hiện là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và UBND quận Thanh Xuân.

Người phải cấp cứu và điều trị tại các cơ sở y tế được ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ chi phí cấp cứu và điều trị tại các cơ sở y tế ngoài phần chi phí được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán. Thành phố giao Sở Y tế chi trả các khoản kinh phí điều trị trực tiếp trên cơ sở đề nghị của các cơ sở y tế cấp cứu và điều trị nạn nhân.

Thành phố hỗ trợ tiền tạm cư đối với hộ gia đình, cá nhân cư trú tại địa chỉ số 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Cụ thể, hộ gia đình được hỗ trợ tạm cư 6 triệu đồng/tháng/hộ gia đình. Cá nhân ở ghép trong cùng một căn hộ hoặc hộ gia đình có 1 người được hỗ trợ mức 1.500.000 đồng/ người/ tháng. Thời gian hỗ trợ là 6 tháng.

Thành phố hỗ trợ học sinh, sinh viên cư trú tại địa chỉ số 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội đang học tại các trường mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng, đại học với mức 15 triệu đồng/học sinh, sinh viên.

Thành phố cũng hỗ trợ tiền chăm sóc trẻ em mồ côi có cha (mẹ) hoặc cả cha và mẹ tử vong tại thời điểm xảy ra vụ cháy hoặc trong thời gian cấp cứu và điều trị. Cụ thể, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ được hỗ trợ 100 triệu đồng/ trẻ; trẻ em mồ côi cha (hoặc mẹ) được hỗ trợ 70 triệu đồng/ trẻ.

Kinh phí hỗ trợ này không bao gồm kinh phí trợ cấp xã hội hàng tháng đối với trẻ không có nguồn nuôi dưỡng quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ đại diện thân nhân người tử vong với mức 50 triệu đồng/người tử vong. Hỗ trợ tang lễ, hỏa táng người tử vong tại vụ cháy hoặc trong thời gian cấp cứu, điều trị. Kinh phí hỗ trợ hỏa táng này đã bao gồm kinh phí hỗ trợ, theo Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND TP. Hà Nội quy định chính sách hỗ trợ sử dụng hình thức hỏa táng của TP. Hà Nội. Nguồn kinh phí từ ngân sách thành phố. Hình thức hỗ trợ được chi trả cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

HĐND TP. Hà Nội giao UBND TP. Hà Nội tổ chức thực hiện nghị quyết đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; chỉ đạo tiếp tục rà soát các đối tượng gặp khó khăm, thiệt hại do vụ cháy để đề xuất cấp thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.

Hà Nội thông qua nghị quyết hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng tại vụ cháy quận Thanh Xuân
HĐND TP. Hà Nội, khoá XVI, đã thông qua nghị quyết về các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn thành phố. Ảnh: TL

Ngăn ngừa, khắc phục, xử lý khi sự cố cháy nổ xảy ra

Tại kỳ họp, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua nghị quyết về các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn thành phố.

Theo đó, trước tình hình phức tạp của cháy nổ, đặc biệt là vụ cháy gần nhất xảy ra trên địa bàn quận Thanh Xuân, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 20/9/2023, về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.

Theo chỉ thị này, Đảng đoàn HĐND thành phố có trách nhiệm lãnh đạo việc cụ thể hóa các chỉ đạo của Thành ủy để ban hành các nghị quyết của HĐND thành phố về các biện pháp, cơ chế, chính sách, dành nguồn lực đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) của thành phố theo thẩm quyền; tiếp tục tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật và chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, nghị quyết của HĐND thành phố về công tác PCCC và CNCH...

Nghị quyết về các biện pháp tăng cường công tác PCCC, CHCN trên địa bàn thành phố được HĐND thành phố thông qua có đánh giá kỹ về kết quả, đặc biệt là những hạn chế trong công tác PCCC trên địa bàn thành phố, đồng thời, đề ra 9 nhóm biện pháp chủ yếu, trong đó có những biện pháp ngay trước mắt cũng như thời gian tiếp theo để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trên địa bàn.

Đặc biệt, nghị quyết có phụ lục chi tiết, cụ thể 9 nhóm biện pháp với 32 nhiệm vụ, chỉ tiêu, yêu cầu cụ thể gắn với tiến độ thời gian từ nay đến cuối năm 2023 và đến năm 2025, trong đó nhấn mạnh đến việc các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục, xử lý khi sự cố cháy nổ xảy ra đối với các loại hình có nguy cơ cao như nhà ở nhiều căn hộ, cụm công nghiệp làng nghề, trung tâm thương mại…

Đồng thời, nghị quyết chú trọng đến công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ năng cứu hộ, thoát nạn; tiếp tục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy nổ, sự cố tai nạn, cùng chung tay với chính quyền thành phố ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy, nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô Hà Nội./.