TT

Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng và phát sinh nhiều vấn đề về an sinh xã hội.

Đây là một nội dung được nhấn mạnh trong báo cáo đánh giá thực trạng và khuyến nghị chính sách do nhóm chuyên gia của trường Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện.

Biện pháp kiểm soát cứng nhắc cản trở lưu thông hàng hóa

Làn sóng lây nhiễm lần thứ 4 của đại dịch Covid-19 hiện nay đang đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và những khó khăn vô cùng to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Trong thời gian qua Chính phủ đã có những bước đi kiên quyết và đúng đắn để hạn chế sự lây lan bùng phát của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên theo nhóm nghiên cứu, hiện nay có hai điểm nghẽn mấu chốt cần được giải quyết.

Thứ nhất là thực trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, mô hình "ba tại chỗ" và "một cung đường - hai điểm đến" một cách cứng nhắc đang gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp cả về chi phí lẫn rủi ro kiểm soát bệnh tật, sức khỏe và không gian ăn ở, do điều kiện vật chất đáp ứng "ăn" và "nghỉ" không được thiết kế từ đầu. Nhiều lao động có trình độ cao tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… nơi bị phong tỏa bị chốt chặt, không thể đến nơi làm việc, làm đứt gãy nguồn lao động. Biện pháp kiểm soát lưu thông và quan niệm "hàng thiết yếu" ở các địa phương khác nhau đã gây cản trở hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa…

Thứ hai là về thực trạng an sinh xã hội. Việc thực thi các chính sách an sinh xã hội cho người lao động hiện còn nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và niềm tin của nhân dân. Nhiều lao động buộc phải nghỉ việc hoặc phải thỏa thuận ngừng việc, giãn việc… nhưng không được hưởng chế độ kịp thời do các quy định hành chính không thể thực hiện khi bị phong tỏa, cách ly. Nhiều lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đầy đủ hoặc có tham gia nhưng doanh nghiệp vẫn nợ đóng BHXH nên không được coi là đối tượng hỗ trợ của Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 7/1/2021 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021. Nhiều lao động phi chính thức đã hoàn toàn mất sinh kế khi các tỉnh/thành phố thực hiện Chỉ thị 16/16+ nhưng họ không là đối tượng trong các quy định hỗ trợ hiện nay.

Trong khi đó, việc kéo dài thực hiện mô hình "ba tại chỗ" và "một cung đường - hai điểm đến" tại các doanh nghiệp ảnh hưởng lớn tới đời sống tâm lý, sức khỏe của người lao động; điều kiện sinh hoạt, môi trường lao động không đảm bảo khiến các nhà máy có nguy cơ bị khách hàng yêu cầu đánh giá lại về tính tuân thủ và điều kiện làm việc; nguy cơ phải tăng giờ làm và vi phạm số giờ tăng ca theo quy định của Bộ luật Lao động.

Cho phép doanh nghiệp sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn

Trước thực trạng này, nhóm chuyên gia trường Đại học Kinh tế quốc dân đã đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn.

Đối với chuỗi cung ứng, đề nghị cho các doanh nghiệp được phép sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn (tiêm đủ hai mũi vắc xin hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) cũng như cho phép các lao động đủ điều kiện an toàn được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường; đặc biệt các lao động tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có không gian độc lập tách rời khu dân cư. Đồng thời, nên bỏ quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong Chỉ thị 16, thay vào đó, cần quy định các hàng hóa và dịch vụ không được phép lưu hành.

Trong lưu thông, cần thay thế cơ chế "luồng xanh" bằng cơ chế cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính (tuyến đường xanh) nhưng quản lý chặt lái xe (đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) không được đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện tại địa phương. Không bắt buộc các phương tiện vận tải phải dừng để kiểm tra khi các trạm kiểm tra/kiểm soát phòng dịch có thể nhận diện ra các phương tiện an toàn đi qua bằng các phương pháp nhận diện tự động.

Mỗi địa phương tổ chức ngay vùng đệm là các trung tâm logistics để hạ tải và luân chuyển hàng hóa cho nhu cầu của doanh nghiệp và cư dân địa phương; tổ chức các đội tuần tra trên các trục quốc lộ, tỉnh lộ; đảm bảo không cho hạ tải hoặc luân chuyển hàng hóa ngoài khu vực quy định. Tại các trạm tiếp liệu xăng dầu, phải có khu xét nghiệm nhanh, cách ly lái xe khi tiếp liệu, quy định rõ các điểm dừng nghỉ, kể cả cung đường đi và về.

Về an sinh xã hội, các chuyên gia đề xuất Chính phủ yêu cầu các địa phương mời đại diện doanh nghiệp tham gia Tổ tư vấn phục hồi kinh tế hoặc Tổ chống đại dịch. Khi địa phương tiến hành phong tỏa địa bàn, cần báo cáo với Chính phủ cũng như thông tin tới các tỉnh/thành phố khác để cùng có kế hoạch ứng phó kịp thời. Cho phép xử lý tình trạng khẩn cấp bằng việc tạm thời sử dụng các quỹ an sinh xã hội đang kết dư để hỗ trợ các đối tượng cần. Xem xét nâng mức hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm khi giãn cách xã hội kéo dài.

Đối với Bộ Y tế, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) xem xét triển khai hỗ trợ tư vấn tâm lý cho lao động đang thực hiện "ba tại chỗ" tại các doanh nghiệp qua hệ thống công tác xã hội ở địa phương và trong hệ thống y tế.

Bộ LĐTB&XH và các Sở LĐTB&XH cho phép tính số giờ làm thêm theo năm thay vì quy định chặt theo ngày hoặc tháng hiện nay. Cùng chính quyền các địa phương tiếp tục rà soát lao động tự do trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ về chỗ ăn, ở…; tăng cường sử dụng mã số định danh cá nhân để tự đăng ký nhận gói an sinh theo các ứng dụng công nghệ phổ biến để vừa xác định đúng đối tượng, vừa thực hiện giãn cách xã hội hiệu quả…/.

Dương An