Tỷ trọng chi cho an sinh xã hội tăng dần qua các năm

Chi hàng trăm nghìn tỷ đồng thực hiện an sinh xã hội

Năm 2024, TP. Hà Nội và các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách xã hội đối với người có công; kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ người gặp khó khăn đột xuất. Công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô tiếp tục được quan tâm chú trọng.

Theo đó, năm 2024 chính quyền các cấp của thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 11,3 nghìn hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công và các đối tượng liên quan. Tổng kinh phí chi cho công tác ưu đãi người có công của thành phố là 2.521 tỷ đồng,

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 203 nghìn đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Các quận, huyện, thị xã đã chi trả trợ cấp đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch cho các đối tượng với tổng kinh phí chi trả cả năm là 1.757 tỷ đồng.

Tại các cơ sở trợ giúp xã hội của thành phố đang thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 3.102 người với mức trợ cấp nuôi dưỡng thấp nhất là 1,76 triệu đồng/người/tháng, trẻ em dưới 4 tuổi là 2,2 triệu đồng/tháng và chi khác 350 nghìn đồng/tháng. Bên cạnh đó, công tác thăm hỏi và hỗ trợ đột xuất từ đầu năm đến nay là 1,2 tỷ đồng.

Hà Nội bảo đảm an sinh và và phúc lợi xã hội
Hà Nội bảo đảm an sinh và và phúc lợi xã hội. Ảnh tư liệu

Về thực hiện phong trào Đền ơn đáp nghĩa, trong năm, thành phố đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 38,5 tỷ đồng, vượt 68,5% kế hoạch; tặng 2.030 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí 5,7 tỷ đồng, vượt 63,1% kế hoạch; tu sửa nâng cấp 63 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 166 tỷ đồng, vượt 87% kế hoạch; vận động xã hội hóa cho việc tu sửa nâng cấp 209 nhà ở cho người có công với cách mạng với kinh phí 8,6 tỷ đồng, vượt 57,1 % kế hoạch...

Với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", hưởng ứng Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Thủ tướng Chính phủ phát động, TP. Hà Nội đã hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Phú Thọ xóa nhà tạm, nhà dột nát với tổng kinh phí 265 tỷ đồng.

Không những vậy, các chính sách và giải pháp giảm nghèo bền vững tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện toàn diện.

Kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2024, trong năm thành phố có 690 hộ thoát nghèo, vượt 81,6% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2024 còn 0% theo chuẩn nghèo của thành phố, chỉ tiêu về giảm nghèo đã về đích trước 1 năm kế hoạch đề ra giai đoạn 2021-2025; số hộ cận nghèo là 9.928 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 0,43%.

Chăm lo an sinh xã hội ngày càng chất lượng và hiệu quả

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương nhấn mạnh, phát huy kết quả thành phố trong năm 2024, TP. Hà Nội xác định tiếp tục chăm lo an sinh xã hội cho nhân dân ngày càng chất lượng và hiệu quả trong năm 2025.

Hà Nội bảo đảm an sinh và và phúc lợi xã hội
Hà Nội chi 2.521 tỷ đồng tặng quà cho người có công. Ảnh: TL

Cụ thể, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô đặt mục tiêu phải chủ động, tập trung cao độ triển khai tốt các nhiệm vụ của ngành. Trước mắt là chăm lo cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ được chu toàn, chu đáo với trên 1,1 triệu suất quà, kinh phí trên 608 tỷ đồng.

Đặc biệt, chủ động tham mưu thành phố ứng gần 500 tỷ đồng để chi trả trợ cấp tăng thêm cho người có công theo Nghị định 77 của Chính phủ khi trung ương chưa điều tiết kinh phí cho phần chuẩn trợ cấp tăng thêm. Đồng thời không để gián đoạn, chậm muộn tiền trợ cấp hằng tháng và tiền quà tết khi thực hiện việc xắp xếp địa giới hành chính của 109 xã, phường trên địa bàn thành phố…

Cùng với việc chăm lo tết cho nhân dân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đang tham mưu cho thành phố ban hành 37 văn bản quan trọng, gồm 8 Nghị quyết triển khai Luật Thủ đô; 7 quyết định và 22 kế hoạch triển khai nhiệm vụ, tập trung trong quý I/2025.

Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đã có kế hoạch chăm lo cho đoàn viên và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 với nhiều hoạt động ý nghĩa. Điểm nổi bật là chương trình hỗ trợ vé xe, giúp 5.000 công nhân yên tâm về quê đón Tết Nguyên đán 2025. Các hoạt động thể hiện sự quan tâm của tổ chức công đoàn trong bảo đảm phúc lợi cho người lao động.