Hải quan đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập đất nước
Hoạt động của cán bộ, công chức Hải quan Hải Phòng.

Tạo thuận lợi thương mại cho hội nhập sâu rộng

Đất nước đang trong giai đoạn phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng cao qua từng năm, ngoài công tác quản lý nhà nước về hải quan, nhiệm vụ quan trọng đặt ra với ngành Hải quan trong nhiều năm qua là tạo thuận lợi thương mại.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm này, nhiều năm qua, Tổng cục Hải quan đã không ngừng đẩy mạnh hoàn thiện về khung khổ pháp luật; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin.

Hải quan đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập đất nước

Ngày 10/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 27/SL thành lập “Sở Thuế quan và Thuế gián thu”- tiền thân của Hải quan Việt Nam ngày nay.

Việc Hải quan Việt Nam được thành lập chỉ 8 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cho thấy vai trò quan trọng của cơ quan hải quan đối với một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Tổng cục Hải quan đã thể hiện rõ vai trò trung tâm để kết nối, thúc đẩy các bộ, ngành liên quan trong cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua vai trò là Cơ quan Thường trực Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899).

Tổng cục Hải quan cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Đồng thời, ngành Hải quan phối hợp tích cực với các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kéo giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trong bối cảnh dịch Covid‐19 phức tạp, ngành Hải quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép.

Tổng cục Hải quan xác định, đây là nhiệm vụ cấp bách đảm bảo thông quan nhanh các lô hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid‐19... Những ngày dịch bệnh phức tạp, ngành Hải quan vẫn đảm bảo thông quan cho hàng chục nghìn tờ khai, hàng nghìn tấn hàng hóa mỗi ngày.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao và tinh thần đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng đối với các đường dây, ổ nhóm tội phạm, với vai trò là đầu mối giúp việc Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Hải quan đã chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình để tham mưu, đề xuất các biện pháp đấu tranh với Ban Chỉ đạo, cũng như thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý.

Đáng chú ý, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, vấn đề gian lận xuất xứ nổi lên là một thách thức lớn đối với công tác quản lý nhà nước về hải quan, đòi hỏi lực lượng hải quan phải kịp thời nắm bắt, xử lý. Vừa qua, ngành Hải quan đã phát hiện, xử lý một số vụ việc nổi cộm và đang tiếp tục triển khai các kế hoạch đấu tranh, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam.

Thông qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, những năm gần đây, ngành Hải quan đã kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, sửa đổi bổ sung nhiều quy định và tăng cường công tác quản lý cho phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước...

Tàu tuần tra trên biển của Hải quan Quảng Bình.
Tàu tuần tra trên biển của Hải quan Quảng Bình.

Trưởng thành mọi mặt

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, đến nay, Hải quan Việt Nam đã có sự lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt.

Đó là, cơ bản hoàn thiện thể chế về lĩnh vực hải quan; cơ cấu tổ chức, lực lượng hải quan lớn mạnh từ trung ương đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được củng cố, tăng cường, đảm bảo năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; trang thiết bị phục vụ công tác từng bước được đầu tư hiện đại.

Qua đó, giúp ngành Hải quan luôn đảm đương và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, thể hiện qua quy mô, khối lượng công việc ngày một lớn, kết quả kim ngạch xuất nhập khẩu, số thu ngân sách tăng trưởng cao qua từng năm; thể hiện qua kết quả đấu tranh chống buôn lậu gắn với thực hiện vai trò, nhiệm vụ trong Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có nhiều chuyển biến tích cực; thể hiện qua vai trò chủ trì trong thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, công tác kiểm tra chuyên ngành…

Ngoài ra, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn, vai trò của Hải quan Việt Nam còn được nâng cao trên trường quốc tế thông qua các hoạt động đối ngoại, hợp tác hải quan song phương, đa phương với Tổ chức Hải quan thế giới (WCO); Hải quan Hoa Kỳ, Hải quan Trung Quốc, Hải quan Nhật Bản, Hải quan trong khu vực ASEAN, ASEM…

Với những kết quả, thành tựu đạt được, ngành Hải quan đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập của đất nước, nhất là đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước hàng năm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Thành tựu đạt được là rất đáng tự hào, nhưng trước yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước trong tình hình mới, Hải quan Việt Nam đang hướng tới những mục tiêu phát triển cao hơn.

Những mục tiêu tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 được xây dựng trên cơ sở bám sát và cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước liên quan đến lĩnh vực Tài chính, lĩnh vực Hải quan nhằm xây dựng Hải quan Việt Nam trong thời gian tới theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.