nhập khẩu

Ảnh minh hoạ: Hải Anh

Theo Tổng cục Hải quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn số 580/BNN-TCTS về việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm, trong đó có đề nghị: “Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam”.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 808/TCHQ-GSQL chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thống nhất về chính sách và thủ tục nhập khẩu cá tầm theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Về thủ tục hải quan đối với mặt hàng cá tầm nhập khẩu, Tổng cục Hải quan chỉ đạo cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo chi cục hải quan hướng dẫn người khai hải quan thực hiện khai đầy đủ, chính xác các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan theo Phụ lục II ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC) và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.

Đồng thời, người khai hải quan gửi đầy đủ các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, trong đó lưu ý tại ô mô tả hàng hóa phải khai đầy đủ tên thương mại, tên khoa học và mục đích sử dụng của hàng hóa nhập khẩu.

Về hồ sơ hải quan, ngoài các chứng từ theo quy định tại Điều 16 Thông tư 38/2015/TT- BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC), khi làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng cá tầm phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam, người khai hải quan phải nộp cho cơ quan hải quan những chứng từ sau: Giấy phép CITES còn hiệu lực được cấp bởi cơ quan quản lý CITES Việt Nam – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giấy chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm được cấp bởi Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan, công chức hải quan thực hiện kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan theo đúng quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC); kiểm tra tên hàng hóa (tên thương mại và tên khoa học), mục đích sử dụng khai trên tờ khai hải quan phải phù hợp với tên hàng hóa và mục đích sử dụng trên Giấy phép CITES và Giấy chứng nhận kiểm dịch.

Trường hợp Giấy phép CITES và Giấy chứng nhận kiểm dịch không ghi rõ tên hàng hóa (tên thương mại và tên khoa học) hoặc có tên nhưng không thể hiện rõ thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam, không nêu rõ mục đích sử dụng, đề nghị các đơn vị trao đổi với cơ quan quản lý CITES và cơ quan kiểm dịch để xác nhận lại.

Trường hợp tên hàng hóa, mục đích sử dụng thuộc đối tượng cấm nhập khẩu nêu tại mục 4 Phần I của công văn này thì thực hiện hủy tờ khai hải quan và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp Giấy phép CITES hết hiệu lực theo quy định thì thực hiện hủy tờ khai hải quan và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật./.

Ngọc Linh