![]() |
Công chức Hải quan Bình Dương kiểm tra thực tế hàng hóa gửi qua chuyển phát nhanh. Ảnh: Thu Mai |
Nguy cơ tiềm ẩn từ tạo thuận lợi
Những tháng đầu năm 2023, lượng hàng hóa qua đường chuyển phát nhanh được cơ quan hải quan phát hiện, xử lý, ghi nhận tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ các năm trước. Đặc biệt, hàng hóa nhập khẩu trị giá thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh tăng mạnh. Số lượng gói, kiện lên đến hàng trăm nghìn mỗi ngày, khoảng từ 1 - 4 triệu/tháng.
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến biên giới nói chung và tuyến chuyển phát nhanh nói riêng trong thời gian qua vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Từ công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn trên tuyến bưu điện - chuyển phát nhanh, cơ quan hải quan nhận thấy các đối tượng ngày càng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Cụ thể như, việc lợi dụng nhập khẩu hàng hóa theo loại hình quà biếu, quà tặng để đưa hàng hóa cấm nhập khẩu và nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam. Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn khai báo sai tên hàng hóa, đóng gói, trà trộn lẫn vào hàng hóa tiêu dùng như: sữa hộp, thực phẩm chức năng...
Hàng hóa vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh thường được ủy quyền cho hãng vận chuyển làm thủ tục và thủ tục phát - nhận hàng đơn giản nên rất khó xác định chủ hàng thật của đơn hàng. Khi các lô hàng nghi vấn bị cơ quan hải quan yêu cầu kiểm tra thì các đối tượng lập tức từ chối nhận hàng, không hợp tác với cơ quan hải quan hoặc bỏ hàng.
Bên cạnh đó, các đối tượng đứng tên trên vận đơn sử dụng tên, giấy tờ tùy thân, địa chỉ nhận và gửi giả hoặc không rõ ràng, sim rác điện thoại chỉ sử dụng một lần; sử dụng các nền tảng mạng xã hội (Facebook, zalo, viber...) trong quá trình liên hệ, mua bán trao đổi, gây khó khăn trong công tác điều tra xác minh; khi bị phát hiện đã bỏ trốn hoặc không xuất hiện để nhận hàng.
Theo bà Nguyễn Thu Huyền - Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý 3, Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, các tờ khai của các gói hàng trị giá nhỏ có tỷ lệ được xếp vào luồng xanh rất cao, để rút ngắn thời gian thông quan. Đấy là một trong những yếu tố để các đối tượng lợi dụng đưa hàng cấm, hàng vi phạm vào Việt Nam.
Chủ động thu thập thông tin, nắm vững địa bàn
Để phòng ngừa và kiểm soát tốt tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên tuyến bưu điện, chuyển phát nhanh, cơ quan hải quan đã chủ động và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn và phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và chống thất thu ngân sách nhà nước.
Các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng các loại hình chúng ta đang rất mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi như thương mại điện tử, gửi qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh sau đó dùng các địa chỉ giả để giao hàng. Ông Vũ Quang Toàn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) |
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, nhằm ngăn chặn hiện tượng, khả năng lợi dụng quy định để gian lận thương mại. Trong đó lưu ý, cơ quan hải quan không thực hiện thủ tục hải quan đối với các tờ khai nhập khẩu trị giá thấp khai báo thông tin người nhận không đầy đủ, rõ ràng.
Nói thêm về giải pháp này, bà Nguyễn Thu Huyền cho biết, cơ quan hải quan đang phối hợp với cơ quan công an để kết nối với dữ liệu dân cư. Nếu phát hiện địa chỉ trên tờ khai, không có thực trên dữ liệu dân cư thì sẽ không được cơ quan hải quan tiếp nhận.
Các đơn vị đóng tại cửa khẩu phân công cán bộ công chức thường xuyên rà soát tờ khai hàng hóa trị giá thấp để phát hiện nhóm đối tượng thường xuyên nhận hàng có cùng địa chỉ, có cùng số điện thoại, có cùng căn cước công dân (hoặc số của giấy tờ có giá trị tương đương) hoặc địa chỉ người nhận không rõ ràng, đồng thời chuyển thông tin đến các đơn vị liên quan như: cơ quan quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả... và các đơn vị chức năng.
Bên cạnh đó, ông Vũ Quang Toàn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, lực lượng chống buôn lậu sẽ tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản cũng như đánh giá, xác định được những tuyến hàng, tuyến đường, những mặt hàng trọng điểm, từ đó đưa vào quản lý rủi ro để đánh giá và kết hợp với sự chia sẻ thông tin của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước, kịp thời phát hiện những vụ việc vi phạm.
Đối với các giải pháp lâu dài, Tổng cục Hải quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung trong trường hợp cần thiết: quy định về trị giá miễn thuế, tờ khai hải quan, giám sát hàng hóa tại kho/địa điểm bưu chính, chuyển phát nhanh,…
Nhiều doanh nghiệp, cá nhân lách luật để trốn thuế Quy định về miễn thuế nhập khẩu tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP không giới hạn số lần/đơn vị thời gian một tổ chức, cá nhân được miễn thuế, do đó thực tế phát sinh các trường hợp cùng một tổ chức, cá nhân, một số điện thoại trong một thời gian ngắn đã đứng tên nhập khẩu nhiều tờ khai hàng hóa trị giá thấp. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh có thể lợi dụng chính sách có liên quan để chia, tách hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế, không thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành. |