Hạn chế dùng thuế để điều chỉnh giá xăng dầu

PV: Giá xăng dầu hiện đang ở mức khá cao. Có ý kiến cho rằng, cần giảm thuế xăng dầu để giảm giá xăng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Việc dùng thuế giữ điều chỉnh giá xăng dầu liệu có phù hợp?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Xăng dầu là một mặt hàng quan trọng, hiện nay lượng xăng dầu nhập khẩu vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhu cầu nên giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng chi phối rất lớn bởi giá trên thị trường thế giới.

Hạn chế dùng thuế để điều chỉnh giá xăng dầu
TS. Nguyễn Văn Hiến

Giá thị trường thế giới tăng thì giá trong nước cũng phải tăng theo. Nhà nước không thể nào tạo bức tường chắn như “con đê” ngăn cho giá trên thị trường thế giới tác động đến giá trong nước được.

Việc điều hành giá xăng dầu vẫn phải theo thị trường, nếu dùng các biện pháp phi thị trường để can thiệp nhiều sẽ bóp méo thị trường và sẽ gây ra những hệ lụy không tốt cho nền kinh tế. Ví dụ như xu hướng giá xăng dầu tăng thì theo nguyên tắc của thị trường, bắt buộc người dùng từ doanh nghiệp đến người dân sẽ phải tiết giảm tiêu dùng xăng dầu hoặc phải chuyển hướng sử dụng các nguồn thay thế khác. Nếu vẫn giữ mặt bằng giá xăng dầu thấp thì sẽ không khuyến khích việc tiết kiệm, tiết giảm nhu cầu tiêu dùng xăng dầu mà làm cho nó bị lệch lạc, không tốt về lâu dài đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, xăng dầu là đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nên giá xăng dầu rất nhạy cảm, tác động dây chuyền đến mặt bằng giá nói chung của nền kinh tế. Nên nếu để tăng một cách đột biến thì có thể gây ra cú sốc tác động đến mặt bằng giá trong nước, cộng thêm yếu tố tâm lý của thị trường, dễ làm cho mặt bằng giá trong nước tăng lên một cách khó kiểm soát. Đó là điều bất lợi nếu thả lỏng giá xăng dầu. Vì vậy, quan điểm của tôi là vẫn phải cho giá xăng dầu điều chỉnh tiệm cận dần theo giá thế giới, nhưng không nên để bị tác động một cách quá mức đột ngột dẫn đến cú sốc từ bên ngoài.

Chính sách thuế phải đảm bảo
công bằng giữa các doanh nghiệp

Về việc dùng thuế để điều chỉnh giá xăng dầu, thực tế thuế được xem là một công cụ điều tiết kinh tế của Nhà nước nên cũng có thể dùng thuế để điều chỉnh giá xăng dầu. Tuy nhiên, xăng dầu cũng là một mặt hàng kinh doanh bình thường cho nên phải theo quy luật của thị trường. Giảm thuế giống như một khoản trợ cấp nên nếu dùng thuế để điều chỉnh giá xăng dầu sẽ dễ tạo ra sự không bình đẳng, không công bằng trong nền kinh tế, bởi vì có những lĩnh vực sử dụng nhiều xăng dầu và có những lĩnh vực dùng ít hơn. Khi Nhà nước đã ban hành các sắc thuế thì phải đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp. Do đó, việc dùng thuế để điều chỉnh giá cần phải cân nhắc kỹ và nên hạn chế.

Về việc dùng thuế để điều chỉnh giá xăng dầu, thực tế thuế được xem là một công cụ điều tiết kinh tế của Nhà nước nên cũng có thể dùng thuế để điều chỉnh giá xăng dầu. Tuy nhiên, xăng dầu cũng là một mặt hàng kinh doanh bình thường cho nên phải theo quy luật của thị trường. Giảm thuế giống như một khoản trợ cấp nên nếu dùng thuế để điều chỉnh giá xăng dầu sẽ dễ tạo ra sự không bình đẳng, không công bằng trong nền kinh tế, bởi vì có những lĩnh vực sử dụng nhiều xăng dầu và có những lĩnh vực dùng ít hơn. Khi Nhà nước đã ban hành các sắc thuế thì phải đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp. Do đó, việc dùng thuế để điều chỉnh giá cần phải cân nhắc kỹ và nên hạn chế.

PV: Việc điều hành giá muốn đảm bảo lợi ích giữa các bên thì cũng cần phải linh hoạt, hài hòa trong tổng thể các giải pháp. Ông nghĩ sao về điều này?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Tôi cho rằng, điều đó hoàn toàn đúng. Một nguyên tắc là khi môi trường kinh tế thuận lợi thì Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng chia sẻ, còn khó khăn thì phải cùng gánh vác. Trong lúc các doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn rất lớn do dịch bệnh thời gian qua, Nhà nước chia sẻ khó khăn đó bằng việc áp dụng rất nhiều các chính sách tài khóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do Covid-19 gây ra. Những chính sách này vẫn đang trong quá trình thực hiện và đã thu được những kết quả tích cực.

Hiện nay, ngân sách nhà nước cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh, ngân sách đang rất căng thẳng và khó khăn cho nên việc doanh nghiệp và người dân chia sẻ với khó khăn với Nhà nước là một điều rất hợp với lẽ phải và bình thường. Điều quan trọng là sự điều hành linh hoạt, hài hòa lợi ích giữa các bên để làm sao chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra. Đó mới là vấn đề cần phải thống nhất cao từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương và người dân.

PV: Có ý kiến cho rằng, cần xem xét đến việc can thiệp bằng cách bán xăng dầu dự trữ để góp phần giảm giá xăng dầu? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Như đã nói ở trên, chúng ta phải cố gắng để ổn định giá xăng dầu trong nước. Ổn định không có nghĩa là giữ nguyên hay phải giảm giá. Ổn định ở đây là không để cho giá xăng dầu trong nước có những đột biến, gây ra những xáo trộn không cần thiết cho nền kinh tế. Giá xăng dầu thế giới tăng thì giá trong nước cũng tăng về mặt xu hướng.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, trong từng thời điểm có thể điều hành linh hoạt bằng một số cơ chế, chính sách để đảm bảo giá xăng dầu ổn định nhất và ít gây đột biến nhất đối với nền kinh tế. Đó là mục tiêu mà điều hành giá xăng dầu phải hướng tới. Trong trường hợp Quỹ Bình ổn giá vẫn còn thì đương nhiên chúng ta sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá vẫn là tốt nhất. Nếu sử dụng các công cụ khác thì phải hết sức lưu ý và cân nhắc để tránh bóp méo quan hệ thị trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tạo thông thoáng trong lưu thông hàng hóa cần thiết hơn giảm giá đầu vào

Theo TS. Nguyễn Văn Hiến, doanh nghiệp luôn muốn được giảm giá đầu vào để hỗ trợ cho sản xuất. Tuy nhiên, giảm giá đầu vào có liên quan tới việc sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, nguồn lực của Nhà nước. Bởi, các loại nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào mà chúng ta phải nhập khẩu thì khi muốn làm cho đầu vào thấp buộc phải có những hỗ trợ về mặt tài chính. Điều này phụ thuộc vào nguồn lực của Nhà nước, phụ thuộc vào quan điểm của Chính phủ về vấn đề sử dụng các nguồn lực đó như thế nào cho có hiệu quả.

Theo ông, trong lúc này, điều quan trọng nhất là phải tạo cho thị trường thông thoáng để lưu thông hàng, mở rộng thị trường. Hàng hóa tiêu thụ được thì doanh nghiệp sẽ có nguồn thu để tái đầu tư trở lại sản xuất, tạo thu nhập cho người lao động. Có thể giảm thuế (như gói hỗ trợ giảm thuế mới được ban hành), giảm những khoản đóng góp ngay trước mắt của doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, phí công đoàn...) để doanh nghiệp có nguồn tiền hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều đó sẽ là cần thiết hơn và có ý nghĩa hơn là được giảm giá đầu vào.