Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đạt và vượt mức đề ra

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Văn Hiến - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho hay, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, những khó khăn từ bên ngoài có ảnh hưởng tức thì và trực tiếp đến kinh tế trong nước, năm 2022 có thể nói khó khăn chồng chất khó khăn.

Điều hành linh hoạt theo hướng chính sách tài khóa mở, tăng cung tiền cho nền kinh tế
Việc giãn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí đã giúp doanh nghiệp có nguồn vốn quay vòng, vượt qua khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt và linh hoạt của Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, không những vậy, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 vẫn đạt, thậm chí vượt mức đã đề ra. Đặc biệt, Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát vẫn duy trì dưới 4%, tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt trên 8%, đây là chỉ số tăng trưởng khá ngoạn mục trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới có mức tăng trưởng âm trong năm 2022.

Ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa chính sách tài khóa

TS. Nguyễn Văn Hiến cho rằng, các chính sách tài khóa mà Bộ Tài chính đã đề xuất và triển khai thực hiện trong thời gian qua đã phát huy tác dụng hết sức tích cực, cơ bản hoàn thành được ba mục tiêu chính, đó là: ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, thực hiện tốt mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo TS. Nguyễn Văn Hiến, để đạt được kết quả phát triển kinh tế xã hội quan trọng như vậy là do sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó đóng góp của chính sách tài khóa có vai trò vô cùng quan trọng. Có thể nói, nhiệm vụ trọng tâm của chính sách tài khóa năm 2022 là tập trung vào phục hồi kinh tế, hỗ trợ an sinh xã hội sau đại dịch Covid-19 và ứng phó với những tác động xấu của kinh tế thế giới ảnh hưởng đến kinh tế trong nước.

Ngay từ đầu năm, ngày 11/1/2022, Chính phủ đã trình Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ lên đến 347 nghìn tỷ đồng, trong đó, có 131 nghìn tỷ đồng đầu tư vào cơ sở hạ tầng; 14 nghìn tỷ đồng đầu tư vào y tế; 38 nghìn tỷ đồng vốn ưu đãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng; 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%; 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân…

Trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thu, chi NSNN, cân đối đảm bảo nguồn lực thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Tài chính cũng đã tham mưu trình các cấp có thẩm quyền giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp; giảm 37 loại phí, lệ phí; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu... góp phần kéo giá xăng dầu giảm xuống, giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Việc giãn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí đã giúp doanh nghiệp có nguồn vốn quay vòng, vượt qua khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành kịp thời

Còn theo PGS.TS Phạm Ngọc Dũng - nguyên Trưởng khoa Tài chính công (Học viện Tài chính), trong bối cảnh phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính đã và đang tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, chủ động đề xuất và triển khai kịp thời các giải pháp chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để vừa hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các cân đối lớn về tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Có thể nói, từ đầu năm 2022 đến nay các công cụ của chính sách tài khóa đã được linh hoạt sử sụng để góp phần biến các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ thành hiện thực. Trong đó, nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành kịp thời như giảm thuế giá trị gia tăng 2% để kích cầu tiêu dùng, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất…

Điều hành linh hoạt theo hướng chính sách tài khóa mở, tăng cung tiền cho nền kinh tế
Năm 2022, kim ngạnh xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 730 tỷ USD.

PGS.TS Phạm Ngọc Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã kịp thời trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết điều chỉnh giảm tới mức sàn thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu; thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng cũng được điều chỉnh giảm từ mức thuế suất 20% xuống 10%, qua đó giúp bình ổn giá xăng dầu trong tình hình quốc tế phức tạp, giá năng lượng tăng cao, giúp tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Đối với chính sách tăng chi NSNN, trong hoàn cảnh của Việt Nam năm 2022 - 2023 được coi là các giải pháp quan trọng nhất. Bởi lẽ, sau đại dịch các doanh nghiệp và người dân gặp muôn vàn khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, ngừng sản xuất, mất thị trường hoặc thị trường bị thu hẹp. Việc tăng chi NSNN cho đầu tư phát triển có vai trò quan trọng phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, tạo đà phát triển các chuỗi sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế phát triển... Thực tiễn năm 2022 đã chứng minh rằng, nhờ điều hành chính sách tài khóa linh hoạt đã giúp cho kinh tế Việt Nam có những bước tăng trưởng ấn tượng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Dũng, có thể khẳng định, điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ trong năm 2022 đã xuất phát từ thực tế phát triển kinh tế - xã hội, tình hình quốc tế để đề xuất các cơ chế, chính sách, triển khai các giải pháp phù hợp để thực hiện.