![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại Hội nghị toàn quốc lấy ý kiến về dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Ngân sách nhà nước năm 2025, diễn ra ngày 7/7. Ảnh: Ảnh: MOF |
Mở rộng quyền tự chủ, quản lý theo hiệu quả đầu ra
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nêu rõ, dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên các quan điểm chỉ đạo cốt lõi: đảm bảo thống nhất với Luật Ngân sách Nhà nước (Luật 89/2025) và các luật liên quan, chỉ quy định chi tiết những nội dung được giao, đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật, kế thừa các quy định đã chứng minh hiệu quả và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền.
Luật Ngân sách nhà nước năm 2025 (Luật số 89/2025) được Quốc hội thông qua vào ngày 25/6/2025 với tỷ lệ đồng thuận cao. Luật có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2026, với một số điều khoản có hiệu lực ngay từ 1/7/2025 để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và đơn giản hóa thủ tục. |
“Đây là một bước đi thiết yếu để cụ thể hóa các nhiệm vụ được Quốc hội giao cho Chính phủ, đảm bảo tính đồng bộ và khả thi của hệ thống pháp luật” - Thứ trưởng khẳng định.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến ghi nhận sự nỗ lực, khẩn trương, tinh thần chủ động của Bộ Tài chính khi hoàn thành việc xây dựng Luật Ngân sách Nhà nước 2025 cũng như dự thảo Nghị định hướng dẫn chỉ trong thời gian rất ngắn. Trong khi đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung rất lớn, mang tính đột phá, cải cách mạnh mẽ.
Theo ông Đoàn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, dự thảo đã bám sát quan điểm phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, mở rộng quyền tự chủ của địa phương, nhất là trong cân đối thu - chi, phân bổ nhiệm vụ chi, sử dụng quỹ và quản lý các nguồn tài trợ đột xuất.
Đại diện tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận các quy định mới về quy trình lập dự toán, chấp hành, quyết toán và công khai ngân sách, giúp địa phương dễ thực hiện, đồng bộ và minh bạch hơn. Theo đại diện tỉnh Khánh Hòa, những quy định mới tại dự thảo đã tháo gỡ những tồn tại vướng mắc lâu nay, nhất là các quy định liên quan đến quản lý tài sản công, tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, cơ chế sử dụng kết dư, chuyển nguồn, hoàn trả vốn Quỹ Phát triển đất và quy trình chi viện trợ được cho là đã tiếp thu nhiều đề xuất thực tiễn, mở ra hướng xử lý linh hoạt, khả thi hơn so với trước.
Từ phía các bộ, ngành, đại diện Bộ Y tế nhận định, quy định quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra, quy định giao trách nhiệm cho đơn vị quản lý chuyên ngành đã tiếp cận đúng xu thế hiện đại, khuyến khích các bộ, ngành nâng cao tính chủ động.
Khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định
Bên cạnh đó, đại diện các bộ, ngành cũng đóng góp, kiến nghị nhiều nội dung từ thực tiễn để hoàn thiện dự thảo.
Về chi ngân sách thường xuyên, Khoản 1, Điều 21 quy định các nhiệm vụ chi phát sinh thường xuyên phải chia đều trong năm. Đại diện tỉnh Lạng Sơn kiến nghị bổ sung hướng dẫn chi tiết vì thực tế có nhiều nhiệm vụ cần thực hiện ngay từ đầu năm, nếu chia đều sẽ gây khó cho việc triển khai. Đối với việc lập dự toán năm 2026 sau sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn riêng, tránh lúng túng trong áp dụng mẫu biểu, quy trình lập dự toán ngân sách cho cấp xã, phường mới.
Đại diện tỉnh Hà Tĩnh đề nghị dự thảo quy định quy trình bố trí ngân sách nhà nước để hoàn trả vốn ứng từ Quỹ Phát triển đất, vì thực tế việc hoàn trả đang gặp khó khăn do thiếu quy định cụ thể.
Liên quan đến phân định rõ trách nhiệm, đại diện Bộ Y tế mong muốn tăng quyền chủ động cho đơn vị sử dụng ngân sách, không dồn toàn bộ thẩm định dự toán, quyết toán cho bộ quản lý chuyên ngành hoặc Bộ Tài chính, tránh quá tải và thiếu thực chất.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Y tế cũng băn khoăn về việc giao trách nhiệm cho các bộ quản lý chuyên ngành ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật, tiêu chuẩn chi phí trong thời gian thực hiện chỉ khoảng 6 tháng.
Một số địa phương khác đề nghị được hướng dẫn rõ hơn về quy trình chi viện trợ cho địa phương nước bạn có quan hệ đối ngoại lâu dài. Cùng với đó, địa phương phản ánh thực tế phát sinh nhiều khoản tài trợ đột xuất, cần linh hoạt quy trình tiếp nhận, tránh gây chậm trễ.
Lắng nghe và phản hồi trực tiếp tại hội nghị, đại diện Bộ Tài chính cảm ơn các ý kiến đóng góp chi tiết, sát thực tiễn và cho biết sẽ nghiên cứu để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo. Trong đó, quy định về quy trình tiếp nhận, phân bổ tài trợ tự nguyện khả thi hơn; đảm bảo nguyên tắc minh bạch, tránh lợi dụng trục lợi. Đối với việc hoàn thiện quản lý theo kết quả đầu ra, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, có hướng dẫn chi tiết, khả thi về trách nhiệm xây dựng định mức kỹ thuật và áp dụng quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện…
Theo ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, các ý kiến nhất trí với dự thảo chiếm rất nhiều và đây là một thuận lợi trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo nghị định. Dự kiến hồ sơ dự thảo Nghị định sẽ được gửi Bộ Tư pháp để thẩm định vào cuối tuần này để kịp trình Chính phủ vào tuần giữa tháng 7.
Bãi bỏ, đơn giản hóa nhiều thủ tục trong điều hành ngân sáchGiới thiệu về một số điểm mới của dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Ngân sách nhà nước năm 2025, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước cho biết, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh về quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách địa phương; quy định các nguyên tắc để HĐND cấp tỉnh quyết định các chế độ chi ngân sách ở địa phương. Đồng thời, dự thảo quy định chi tiết công tác xây dựng dự toán, chấp hành quyết toán và công khai ngân sách nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện tại; quy định việc sử dụng vốn đầu tư ngân sách phát triển ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hỗ trợ các địa phương khác; tổng hợp hướng dẫn xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm. Để tăng cường hiệu quả quản lý, dự thảo Nghị định đã cắt giảm và đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính. Cụ thể, trong công tác xây dựng dự toán, đã cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục: Quy trình xây dựng và thông báo số kiểm tra thu, chi ngân sách hàng năm, dự kiến thu - chi ngân sách 2 năm tiếp theo cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương; quy trình xây dựng và báo cáo kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm đến các cấp có thẩm quyền; trình tự và yêu cầu lập dự toán chi, nhất là lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; về xử lý nhu cầu kinh phí tăng thêm đối với các chế độ, chính sách. Trong quá trình chấp hành ngân sách, nhiều thủ tục liên quan đến việc điều chỉnh dự toán ngân sách; bổ sung kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, bổ sung kinh phí từ các khoản dự toán chưa phân bổ chi tiết đầu năm; quá trình kiểm tra phân bổ, kiểm soát thanh toán đã được cắt giảm, đơn giản hóa do đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị dự toán và đơn vị sử dụng ngân sách. Trong quá trình ban hành chính sách ở địa phương, một số thủ tục đã được cắt giảm như một số chế độ chi ngân sách giao cho UBND cấp tỉnh ban hành trong các trường hợp: được HĐND cấp tỉnh giao; các chế độ chi ngân sách phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nghiêm trọng. Nhìn chung, các ý kiến đều đánh giá dự thảo đã cụ thể hóa kịp thời luật sửa đổi, góp phần khắc phục những bất cập kéo dài, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong công tác quản lý, điều hành ngân sách, đồng thời bảo đảm tính minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình và phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. |