Khung pháp lý là ưu tiên hàng đầu và nhân tố quyết định cho việc hình thành và phát triển thị trường chứng khoán
Trải qua 25 năm kể từ khi thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo Nghị định số 75/CP và hơn 21 năm thị trường chứng khoán (TTCK) chính thức đi vào hoạt động, qua quá trình hình thành và phát triển với nhiều biến động, đến nay TTCK Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn ổn định và phát triển. Trong thành công chung đó, công tác hoàn thiện hệ thống khung khổ pháp lý đóng vai trò rất quan trọng quyết định, tạo môi trường công bằng, bình đẳng và đảm bảo cho thị trường hoạt động an toàn, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích của các chủ thể tham gia.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, ngay từ những ngày đầu, chúng ta đã quyết tâm, nỗ lực xây dựng khung khổ pháp lý cơ bản trước khi TTCK đi vào hoạt động. Đây là định hướng đúng và là một trong những yếu tố quyết định tạo nên thành công cho TTCK Việt Nam. Chỉ sau gần 2 năm sau khi thành lập cơ quan quản lý nhà nước, ngày 11/7/1998, Nghị định số 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK được ban hành trên cơ sở tham khảo luật chứng khoán các nước, hệ thống pháp luật Việt Nam và sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế. Nghị định đã giúp cho việc ra đời và vận hành Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh từ tháng 7/2000 được an toàn, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi |
Sau đó, trên cơ sở các kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn quản lý thị trường, những vấn đề mới phát sinh và những bất cập của các văn bản pháp lý, Nghị định số 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ đã được ban hành thay thế cho Nghị định số 48/1998/NĐ-CP và cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo thành khung pháp lý bao quát tương đối đồng bộ và đầy đủ về các hoạt động trên thị trường như: phát hành, niêm yết, kinh doanh, giao dịch, công bố thông tin...
Đây là những văn bản pháp lý mang tính nền tảng, tạo tiền đề quan trọng để cơ quan quản lý TTCK Việt Nam xây dựng, ban hành các thế hệ Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành sau này.
Sau nhiều năm xây dựng, chuẩn bị kỹ lưỡng, Dự án Luật Chứng khoán đầu tiên đã được Quốc hội xem xét và thông qua vào ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007. Sau đó, ngày 24/11/2010, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và có hiệu lực từ ngày 1/7/2011. Gần nhất, Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2019 cũng đã được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2021. Có thể thấy rằng, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn đến nay đã tương đối hoàn thiện, đặc biệt là đã cho thấy sự phù hợp của các quy định pháp luật về chứng khoán và TTCK với từng giai đoạn của TTCK Việt Nam, dần tiệm cận với những quy định mang tính chuẩn mực của các TTCK phát triển trên thế giới.
Luật Chứng khoán năm 2019 đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong đó có việc phát triển TTCK; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực thi Luật Chứng khoán cũ, đáp ứng yêu cầu phát triển tất yếu của nền kinh tế. Luật cũng đã bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tiếp tục hoàn thiện pháp lý đáp ứng cho giai đoạn phát triển cao hơn
Qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay TTCK Việt Nam cơ bản đã hoàn thiện về khung khổ pháp lý. Điểm nhấn là Luật Chứng khoán 2019 đã góp phần bảo đảm thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát sinh và thông lệ quốc tế, chuẩn bị hành lang pháp lý cần thiết cho một thời kỳ phát triển mới (giai đoạn 2021 - 2030).
TTCK luôn vận động và phát triển không ngừng, do đó, việc liên tục hoàn thiện khung khổ pháp lý luôn là vấn đề quan trọng được đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp trọng tâm như sau:
Ông Nguyễn Đức Chi (thứ 2 bên trái) phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư do Bộ Tài chính tổ chức ở Luân Đôn – Vương quốc Anh năm 2019. Ảnh: Mai An |
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán 2019 để thực thi trong giai đoạn 2021 - 2025, tạo cơ sở pháp lý triển khai 8 nhóm giải pháp cơ cấu lại TTCK bao gồm: Hoàn thiện cơ sở pháp lý; Cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; Cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư; Cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán; Cơ cấu lại tổ chức thị trường; Nâng cao năng lực, quản lý giám sát và cưỡng chế thực thi; Giải pháp nâng hạng thị trường; cuối cùng là tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp. Các văn bản hướng dẫn tiếp tục được hoàn thiện và đăng ký hàng năm trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK.
Thứ hai, thực hiện tổng kết thi hành Luật Chứng khoán 2019 và đề xuất sửa đổi, bổ sung (nếu có) trong giai đoạn 2028 - 2030 với phạm vi điều chỉnh rộng hơn, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, điều chỉnh đồng bộ hoạt động chứng khoán trong mối liên hệ với các khu vực dịch vụ của thị trường tài chính, thống nhất với với các luật liên quan, tăng cường vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp.
Thứ ba, xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp với tình hình phát triển các hoạt động mới của TTCK như: hoạt động giao dịch tự động (robot trading), quản lý danh mục tự động (AI asset management), tư vấn tự động (robot advisory), số hóa các tài sản tài chính trên thị trường chứng khoán áp dụng công nghệ tài chính mới (Fintech), hoạt động huy động vốn cộng đồng (Crowdfungding).
Nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Đồ họa: Hồng Vân |
Thứ tư, hoàn thiện các quy định hướng dẫn về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty đại chúng, công ty niêm yết; về tự do hóa tài khoản vốn và kiểm soát dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài; sự tham gia của các ngân hàng thương mại trên TTCK phái sinh; mở rộng việc phát triển các công cụ phái sinh niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán dựa trên tài sản cơ sở là hàng hóa, lãi suất và tỷ giá.
Thứ năm, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp theo các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” phê duyệt tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 bao gồm văn bản hướng dẫn Nghị định 93/2018/NĐ-CP về quản lý nợ của chính quyền địa phương, Nghị định 95/2018/NĐ-CP về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên TTCK, nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, văn bản hướng dẫn về chứng khoán hóa các khoản nợ.
Thứ sáu, nghiên cứu và ban hành các quy định về phát hành trái phiếu xanh, nhà đầu tư trái phiếu xanh làm căn cứ để triển khai và khuyến khích phát hành trái phiếu xanh cho các dự án xanh, dự án bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi khung pháp lý về thành lập và hoạt động của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và quỹ hưu trí tự nguyện để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, tăng cường quản lý giám sát đối với các tổ chức này; từ đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán trong thời kỳ mới ngày càng an toàn, lành mạnh và bền vững.
Khung pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán ngày càng đầy đủ, hoàn thiện Các dấu mốc phát triển của ngành Chứng khoán Việt Nam gắn liền với các dấu mốc quan trọng về sự chuyển biến trong việc tạo ra một khung pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) ngày càng đầy đủ, hoàn thiện và từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế và mang lại những kết quả tích cực cho sự phát triển thị trường. Với hệ thống văn bản pháp lý tương đối đồng bộ, hầu hết các đối tượng, các nội dung liên quan đều đã được đề cập và quy định, về cơ bản thống nhất với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, bảo đảm quyền tự chủ của tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK. |