Hoàn thiện thể chế, “coi việc của doanh nghiệp như việc của mình”
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bám sát yêu cầu của thực tiễn, Bộ Tài chính kịp thời đề xuất ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát áp lực tăng giá cả, lạm phát, góp phần hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trung bình hàng năm, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 6 - 7 luật, nghị quyết; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 30 - 40 nghị định, quyết định và ban hành theo thẩm quyền 120 - 150 thông tư.

Mặc dù số lượng văn bản được giao chủ trì rất lớn, nhiều nội dung phức tạp nhưng Bộ Tài chính luôn hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật với tỷ lệ cao, thường trên 95%. Hệ thống pháp luật về tài chính - ngân sách ngày càng được hoàn thiện, tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có nhiều chính sách trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong triển khai thực hiện, Bộ Tài chính đã thường xuyên rà soát, hệ thống hóa danh mục văn bản pháp luật; cập nhật thông tin về văn bản mới ban hành, đăng tải đầy đủ, kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của bộ và Cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách chế độ mới; hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế, chính sách tài chính cho doanh nghiệp, người dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu lực và phát huy hiệu quả chính sách.

Đặc biệt, thời gian qua, trong bối cảnh dịch Covid-19, có rất nhiều chính sách pháp luật cần sửa đổi, hoặc ban hành theo kịp thực tiễn, “trong hoàn cảnh đặc biệt cần các chính sách đặc biệt”, Bộ Tài chính đã phải cấp bách soạn thảo các chính sách mà cuộc sống đang đòi hỏi. Nhiều đề án, chương trình không có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, hoặc các thông tư phải ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung, nhưng vẫn phải hoàn thiện trong thời gian ngắn, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành theo đúng tiến độ các chương trình, đề án đó.

Coi đột phá về thể chế là cơ hội phát triển

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện các báo cáo nghiên cứu rà soát các luật và phối hợp với các cơ quan có liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh giai đoạn 2023 - 2025, trong đó đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung nghiên cứu rà soát Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đang nghiên cứu lập đề nghị xây dựng Đề án sửa đổi 3 luật này.

Đồng thời, đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu, rà soát đối với các Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thuế tài nguyên; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Hiện nay Bộ Tài chính đang hoàn thiện các dự thảo Báo cáo nghiên cứu, rà soát 6 luật này gửi Bộ Tư pháp tổng hợp chung để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Còn nhớ, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắn nhủ: “phải tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp, coi việc của doanh nghiệp như việc của mình, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Quay trở lại, doanh nghiệp có đóng góp cho ngân sách, từ đó mới có nguồn thu bền vững”.

Đổi mới về thể chế tài chính

Người đứng đầu Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc ngay thời điểm nhậm chức, ông đã truyền đi thông điệp, cần đột phá, đổi mới về thể chế tài chính - ngân sách nhà nước, coi đó là một trong những trụ cột để tạo đà phát triển.

Qua thống kê, từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền hơn 1.300 văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó có nhiều văn bản ban hành đã hướng tới việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN).

Vừa qua, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành chỉ thị về việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính trong tình hình mới nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Chỉ thị được ban hành nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính.

Người đứng đầu Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc ngay thời điểm nhậm chức, ông đã truyền đi thông điệp, cần đột phá, đổi mới về thể chế tài chính - NSNN, coi đó là một trong những trụ cột để tạo đà phát triển. Ông nhấn mạnh, chỉ có đột phá về thể chế mới có thể làm cho tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư giàu mạnh lên, từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Đột phá về thể chế là con đường ngắn nhất để phát triển nhanh và bền vững. Do đó, Bộ Tài chính vẫn kiên định mục tiêu, nỗ lực hoàn thiện thể chế để giúp doanh nghiệp cất cánh.

Chính sách tài chính phải đi trước một bước

Thời điểm giữ trọng trách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, cũng là thời điểm bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước diễn biến phức tạp với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính đã quyết liệt vào cuộc, chủ động, sáng tạo cùng toàn ngành nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng thời hỗ trợ tích cực cho người dân, doanh nghiệp.

Xây dựng thể chế tài chính luôn được người đứng đầu ngành Tài chính dành sự quan tâm đặc biệt. Trong khó khăn, ông luôn nhắc nhở, động viên toàn ngành Tài chính cần đẩy mạnh sáng tạo, đoàn kết, đổi mới hơn nữa, đặc biệt phát huy sáng kiến trong quản lý, điều hành, để sớm vượt qua khó khăn, tạo đà bứt phá, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra. Những quyết tâm đó đã minh chứng bằng số lượng rất lớn các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, trong đó có nhiều văn bản phát sinh, không có trong kế hoạch.

Trong những thời điểm khó khăn, như khi dịch bệnh xảy ra, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hay như ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ về tài khóa trong một thời gian ngắn, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo ngành Tài chính. Bộ Tài chính đã thực hiện lời hứa của mình khi luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân; rà soát cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã khẳng định: Mục tiêu của ngành Tài chính là đảm bảo chính sách tài chính luôn đi trước một bước, góp phần khai thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Bộ trưởng, việc hoàn thiện thể chế tài chính cần tiếp tục gắn với cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Thể chế tài chính phải tiếp cận nhanh với các thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của việc hội nhập. Riêng về tài chính - ngân sách, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngân sách nhà nước (NSNN) một cách đồng bộ, bao gồm cả tái cơ cấu về thu cũng như chi ngân sách và quản lý nợ công theo yêu cầu tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững./.