Thúc đẩy tổng cầu để tăng sức chống chịu của nền kinh tế
Thị trường Việt Nam với dân số trên một trăm triệu người, tiêu dùng có nhiều tiềm năng để phát triển. Ảnh tư liệu

PV: Thưa ông, trong ấn phẩm đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023 của Trường Đại học Kinh tế quốc dân có nhấn mạnh "thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới". Vì sao lại có quan điểm này?

Ông Phạm Hồng Chương: Việc thúc đẩy kinh tế từ phía cung, cụ thể là nâng cao hiệu quả của các yếu tố đầu vào như khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, ổn định giá cả năng lượng cho đầu vào sản xuất… là rất quan trọng để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tuy nhiên, việc phân tích vai trò của các thành tố tổng cầu cũng rất cần thiết. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, sự thiếu hụt tổng cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) kéo dài có thể dẫn đến các hạn chế trong việc tăng tổng cung và suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Qua phân tích tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023, chúng tôi cho rằng các yếu tố của tổng cầu đang suy giảm và chính sự suy giảm đó dẫn đến tăng trưởng kinh tế suy giảm cùng với nhiều hệ lụy khác. Nhìn vào điều kiện của Việt Nam với dân số trên một trăm triệu người, tiêu dùng có nhiều tiềm năng để phát triển, đầu tư tư nhân còn nhiều cơ hội, thì thúc đẩy tổng cầu sẽ giúp cho Việt Nam không chỉ tăng trưởng kinh tế mà còn phát triển bền vững, tự chủ và tăng khả năng chống chịu với những cái cú sốc từ bên ngoài.

Chúng ta cũng thấy, năm 2024 có thể có những biến động từ bên ngoài còn mạnh mẽ hơn so với năm 2023. Do vậy khả năng tự chủ, sức chống chịu của nền kinh tế là rất quan trọng.

PV: Thúc đẩy tổng cầu là một vấn đề đã được khuyến nghị trong nhiều báo cáo gần đây. Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong muốn, tổng cầu vẫn có xu hướng giảm. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Thúc đẩy tổng cầu để tăng sức chống chịu của nền kinh tế

Ông Phạm Hồng Chương: Khi tình hình kinh tế khó khăn, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc duy trì tổng cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đã có rất nhiều biện pháp về cả tài khóa và tiền tệ như miễn giảm thuế, giảm lãi suất, giữ tỷ giá ổn định…

Tuy nhiên, kết quả chưa hoàn toàn được như kỳ vọng. Nguyên nhân trực tiếp có thể là thị trường bất động sản trầm lắng thời gian qua. Một trong những căn bệnh nan y của kinh tế Việt Nam là phụ thuộc quá nhiều vào thị trường bất động sản, khi thị trường bất động sản có vấn đề thì kéo theo rất nhiều thứ khác, tiêu dùng giảm, đầu tư giảm… Để chữa căn bệnh này thì phải làm sao để người dân có nhiều cơ hội đầu tư hơn, thay vì thói quen có bao nhiêu tiền là dành mua nhà đất.

Còn nguyên nhân sâu xa thì như một số chuyên gia đã đề cập, đó là nỗi sợ rủi ro ảnh hưởng đến niềm tin tiêu dùng, việc thực thi chính sách và môi trường kinh doanh. Có thể mỗi thứ một chút khiến chúng ta cảm thấy bầu không khí chung của nền kinh tế không được như mong muốn.

PV: Với tình hình như vậy, ông có khuyến nghị, đề xuất giải pháp gì để nền kinh tế vượt qua thách thức hiện nay?

Ông Phạm Hồng Chương: Đối với Việt Nam, ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố tiên quyết phải giữ được. Đây cũng là điều luôn được nhấn mạnh trong các khuyến nghị của chúng tôi. Cho dù tình hình quốc tế có biến động như thế nào, Việt Nam vẫn phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế tư nhân và đặc biệt là củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, của người tiêu dùng.

Cùng với đó, như trong báo cáo của chúng tôi đã đề cập, cần có các giải pháp thúc đẩy tổng cầu bao gồm khuyến khích đầu tư tư nhân, nâng cao hiệu quả của đầu tư công, đưa đầu tư công trở thành động lực dẫn dắt đầu tư tư nhân. Đặc biệt, chúng tôi kỳ vọng môi trường kinh doanh được cải thiện hơn nữa để tạo thuận lợi kết nối đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân trong nước, từ đó có sự phối hợp, lan tỏa như các quốc gia đi trước chúng ta đã làm được.

Chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài rất tốt, tuy nhiên sự lan tỏa, liên kết giữa đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước còn rất hạn chế. Qua nghiên cứu của chúng tôi, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam vẫn bó hẹp trong phạm vi các doanh nghiệp của họ thay vì liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam.

Chính vì vậy, tôi cho rằng chúng ta cần tập trung vào những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế. Ví dụ như sản xuất nông nghiệp, may mặc, đồ gỗ… những lĩnh vực chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực để phát triển chuỗi từ đầu đến cuối, hay có thể gọi là những chuỗi cung ứng của Việt Nam.

Còn với những ngành sản xuất đòi hỏi công nghệ cao, vốn lớn thì có lẽ con đường phù hợp nhất là người Việt Nam phải trở thành những hạt nhân trong chuỗi cung ứng, từ đó kết hợp với những biện pháp thúc đẩy khác để tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp tiên tiến.

Một khi xác định rất rõ đâu là thế mạnh thì từ đó chúng ta sẽ phát triển, tạo nền tảng để Việt Nam phát triển những ngành công nghệ cao.

Cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu - Ảnh 1.

PV: Trở lại với việc thúc đẩy tiêu dùng, tới đây chúng ta sẽ thực hiện tăng lương, điều chỉnh giá một số dịch vụ công, giá nhiều loại nguyên liệu cũng đang tăng. Vậy làm thế nào để kiểm soát lạm phát như mục tiêu trong năm 2024?

Ông Phạm Hồng Chương: Chúng ta đã kiềm chế lạm phát tương đối tốt trong năm 2023. Một phần là do tiêu dùng tăng chậm, thị trường bất động sản trầm lắng. Năm 2024 nếu chúng ta không thúc đẩy được các thị trường, kích thích tiêu dùng, tổng cầu mà không phục hồi thì khả năng lạm phát cũng sẽ không cao.

Điều quan trọng là giữ ổn định vĩ mô, cân đối giữa các chính sách để liều lượng đưa ra phù hợp. Tôi tin rằng là với sự quyết tâm, nỗ lực, kinh nghiệm điều hành của các cơ quan quản lý, lạm phát sẽ giữ được theo như mục tiêu của năm 2024.

PV: Xin cảm ơn ông!

Các yếu tố của tổng cầu đang suy giảm

Chúng tôi cho rằng các yếu tố của tổng cầu đang suy giảm. Nhìn vào điều kiện của Việt Nam với dân số trên một trăm triệu người, tiêu dùng có nhiều tiềm năng để phát triển, đầu tư tư nhân còn nhiều cơ hội, thì thúc đẩy tổng cầu sẽ giúp cho Việt Nam không chỉ tăng trưởng kinh tế mà còn phát triển bền vững, tự chủ và tăng khả năng chống chịu với những cái cú sốc từ bên ngoài.