Hướng đến một nền công nghiệp sản xuất thông minh
Các diễn giả tại diễn đàn. Ảnh: CTV

Thay đổi để thích ứng

Với chủ đề: “Tương lai hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp”, từ góc nhìn thực tế của một doanh nhân đang trong tiến trình thúc đẩy số hoá, công nghệ hoá hoạt động sản xuất, ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Đầu tư U&I nhìn nhận, hoạt động sản xuất - nơi mà một thay đổi nhỏ cũng có thể gây ảnh hưởng đến năng suất hay giá thành, cũng như thu nhập của người lao động. Do vậy, cần có những con người thật sự nghiêm túc, không ngại khó khăn và sẵn sàng dấn thân làm thật chi tiết.

Ông Tín cũng cho rằng, lãng phí lớn trong sản xuất hiện đại không còn nằm chủ yếu ở vấn đề nguyên vật liệu hay là nhân công. Do vậy, khi chúng ta nói là tiết kiệm được nguyên vật liệu ở chỗ này, tiết kiệm được nhân công ở chỗ khác thì có thể chưa nhìn thấy được toàn bộ bức tranh của sản xuất thông minh. Bởi vì các yếu tố vô hình lại chính là những yếu tố làm chúng ta mất đi nhiều giá trị nhất, cụ thể là mất cơ hội bán hàng, phải chờ đợi lãng phí tài năng, chi phí phát sinh do phối hợp tác chiến kém, giữa các khâu, các quyết định chưa thông minh ở mọi cấp vì thiếu thông tin và thiếu kỹ năng, từ đó làm cho việc sản xuất chung của doanh nghiệp giảm hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên toàn chuỗi, hay là trong từng doanh nghiệp không cao.

Cơ quan hoạch định chính sách cũng như các loại hạ tầng sử dụng chung như đường sắt, đường bộ, hạ tầng số để phục vụ chuyển đổi sang sản xuất thông minh như trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu và triển khai nên được quan tâm như một loại hạ tầng phục vụ tạo giá trị.

Mặt khác, Chính phủ cũng không nên tự mình đầu tư hết, vì sẽ thiếu tính linh hoạt và hiệu quả của doanh nghiệp. Do vậy, cần có cơ chế hỗ trợ các tập đoàn kinh tế lớn triển khai việc hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm và hiểu biết để chúng ta có thể xây dựng và vận hành các trung tâm. Ông Mai Hữu Tín đề xuất và kiến nghị, cần có các ưu đãi cho doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất thông minh với việc hình thành các bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số và sản xuất thông minh theo chuẩn quốc tế phải được cập nhật thường xuyên.

Vượt ngưỡng để đột phá

Chia sẻ về chủ đề: "Ứng dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp - Câu chuyện từ Tập đoàn Thaco, ông Phạm Văn Tài - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thaco cho biết, Tập đoàn này hiện tham gia đầu tư đa ngành, nghề với 6 ngành, bao gồm: Thaco ô tô, đây là ngành chủ lực; ngoài ra, Thaco còn tham gia vào ngành nông nghiệp, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, đầu tư và xây dựng, thương mại và dịch vụ, logicitcs… Các ngành này bổ trợ và tích hợp cao để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi số với lộ trình phù hợp, bổ trợ và tích hợp với nhau.

Ông Tài nhận định: Đây là xu thế tất yếu để góp phần thúc đẩy tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng năng lực cạnh tranh. Đồng thời, giảm chi phí vận hành trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hướng đến một nền công nghiệp sản xuất thông minh
Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: CTV

Từ một vùng cát trắng, hoang hóa, Thaco hiện đã đầu tư một số nhà máy sản xuất ô tô tại khu công nghiệp Chu Lai, Quảng Nam, tất cả tự động hóa và ứng dụng công nghệ số. Tỷ lệ nội địa hóa hiện nay rất cao, xe bus là 60%, xe tải là 45% và xe du lịch từ 20-40%. Hiện nay, doanh nghiệp này đã có 360 điểm bán hàng với nhiều mô hình tổ hợp showroom du lịch và kết hợp trong đó là các cái loại hình thương mại dịch vụ liên tục được mở rộng.

“Cần thay đổi tới một ngưỡng nào đó phải đột phá, nhưng đột phá phải có chuẩn bị, thay đổi quản trị, cách làm mới để cho ra kết quả mới, thay đổi một cách chủ động, tùy vào nội lực của mình, đáp ứng nhu cầu riêng biệt trong nước và xuất khẩu”- ông Phạm Văn Tài nhấn mạnh.

Bà Trương Lý Hoàng Phi - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị và CEO của Công ty Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp IBP chia sẻ, khi đọc rất nhiều báo cáo thì có một điều bất ngờ là trong một số các báo cáo của các công ty tư vấn lớn, khi khảo sát những doanh nghiệp sản xuất tại thị trường Châu Âu và một số thị trường khác thì có đến 90% các công ty trả lời rằng họ đang bắt đầu tự động hóa nhà máy của họ. 90% các nhà máy của họ đều đặt ra mức độ ưu tiên cao nhất là làm thế nào để số hóa và xây dựng chuỗi sản xuất, quy trình sản xuất thông minh hơn. Bà Phi khẳng định, chính điều này đã có rất nhiều những doanh nghiệp họ đã cải tiến mô hình kinh doanh của mình dựa trên quá trình số hóa và cải tiến các nhà máy sản xuất của họ.

“Những doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang ở đâu trong tiến trình này? Doanh nghiệp Việt Nam quan tâm thế nào để đưa công nghệ cao vào trong quá trình vừa là công nghệ cao và vừa số hóa cái quy trình sản xuất của mình”- bà Trương Lý Hoàng Phi đặt vấn đề.

PGS. TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cho biết, Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh là một trong 3 khu công nghệ cao quốc gia với sứ mạng xây dựng nền móng cho công nghiệp công nghệ cao cho Việt Nam. Diễn đàn có ý nghĩa truyền tải thông điệp rằng khu công nghệ cao đang thực hiện những bước chuyển mình sang trọng tâm mới và gắn với cam kết, kết nối chặt chẽ hơn với cộng đồng doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.