Huy động được nguồn vốn lớn nhờ triển khai bài bản

Huy động hơn 1,7 triệu tỷ đồng

Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, sau 3 năm thực hiện trong bối cảnh có nhiều khó khăn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) 2021 - 2025 (chương trình) đã hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao, trong đó có một số chỉ tiêu vượt so với kế hoạch.

Theo đó, đến nay, cả nước có 6.022 xã (bằng 73,65% tổng số xã trên cả nước) đạt chuẩn NTM; có 263 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện). Cả nước có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Đặc biệt, sau gần 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM 2021 - 2025, cả nước đã huy động được hơn 1,7 triệu tỷ đồng đầu tư thực hiện chương trình.

Cụ thể, năm 2021, cả nước huy động được khoảng 602.603 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện chương trình. Năm 2022, cả nước huy động được khoảng 744.723 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện chương trình, tăng 24% so với năm 2021. Năm 2023, tính đến tháng 6/2023, cả nước huy động được khoảng 404.618 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện chương trình.

Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn nhấn mạnh, như vậy, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2023 (tính đến thời điểm báo cáo) khoảng 1,752 triệu tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương đóng vai trò “vốn mồi”, hỗ trợ trực tiếp thực hiện chương trình chiếm khoảng 1,2%; ngân sách địa phương các cấp khoảng 9,9%; vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 8,1%; vốn tín dụng khoảng 74,1%; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khoảng 4%; người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 2,8%.

“Đến nay, Chương trình NTM có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương cao nhất trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng NTM; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững)” - ông Ngô Trường Sơn chia sẻ.

Tiến độ giải ngân vốn còn chậm

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ NN&PTNT cũng nhận định, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2021 chuyển sang thực hiện năm 2022) và giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm. Nhiều địa phương chưa thực hiện việc giải ngân ngay sau khi hoàn thành công tác giao kế hoạch vốn. Một số địa phương chưa chủ động thực hiện công tác rà soát, xây dựng nhu cầu vốn đầu tư và các thủ tục chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm nên mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư theo quy định…

Dành 32.050 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của Chương Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 32.050 tỷ đồng, đã được Thủ tướng Chính phủ giao cụ thể cho các địa phương để triển khai thực hiện, trong đó, giao lần 1 là 27.000 tỷ đồng, lần 2 là 5.050 tỷ đồng.

Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có khoảng từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do UBND cấp tỉnh quy định.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Ngô Trường Sơn cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động tối đa nguồn lực thực hiện chương trình như: Thực hiện cơ chế phân cấp, trao quyền chủ động, linh hoạt cho địa phương quyết định phân bổ vốn ngân sách trung ương được giao thực hiện các mục tiêu, nội dung của chương trình, theo hướng: “Trung ương giao tổng vốn, căn cứ điều kiện thực tế, UBND các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng phương án phân bổ cụ thể để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, báo cáo HĐND tỉnh quyết định”.

Đồng thời, ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách trung ương để bố trí cho chương trình, theo hướng: “Tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2020”. Huy động tối đa nguồn lực từ ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) và các nguồn vốn hợp pháp cho xây dựng NTM; khuyến khích các địa phương có kinh tế phát triển hỗ trợ cho các địa phương khó khăn đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM…

Cùng với đó, chương trình sẽ quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật. Quyết tâm giải ngân 100% vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia theo kế hoạch được giao của năm 2022 và 2023; tăng cường các hoạt động vận động các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các nội dung liên quan đến những vấn đề cấp thiết của chương trình.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tiếp tục ưu tiên nguồn vốn ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) để hỗ trợ thực hiện xây dựng NTM; chỉ đạo triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM đảm bảo thực chất, hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Xây dựng nông thôn trở thành nơi đáng sống, đáng quay về

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhìn nhận, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đi được chặng đường hơn 3 năm, nhưng thực tế mới triển khai được khoảng hơn 1 năm. Chương trình không chỉ là xây dựng cầu, đường, trường, trạm mà đây là chương trình đa mục tiêu nhằm xây dựng NTM ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2023 - 2025, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hiện nhiều quốc gia thực hiện chương trình quy nông, quy hương. Không phải tất cả đều về nông thôn, nhưng họ coi nông thôn là vốn quý, di sản, tài sản và họ làm nhiều chương trình du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp nông thôn kích hoạt để chấn hưng nông thôn, để nông thôn trở thành nơi đáng sống, đáng để quay về. Do đó, rất cần có thêm sáng kiến, mô hình mới để các địa phương bắt tay vào thực hiện.