Doanh nghiệp vẫn giữ tâm lý ổn định nhưng cẩn trọng
Được thực hiện ngay trước làn sóng biến động lớn trong chính sách thương mại toàn cầu, Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý I/2025 được Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam công bố ngày 4/4, phản ánh bức tranh lạc quan nhưng thận trọng của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam.
![]() |
Chỉ số BCI qua một số năm. Nguồn: EuroCham |
Ghi nhận ở mức 64,6 điểm, chỉ số BCI trong quý I/2025 cho thấy một sự ổn định tương đối, song vẫn tiềm ẩn những lo ngại đáng kể. Nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát đã nhấn mạnh rằng, họ “đang chờ đợi động thái từ Washington”, báo động một mối quan ngại trọng yếu trước những diễn biến toàn cầu có thể tác động đến môi trường kinh doanh.
Khảo sát BCI do Decision Lab thực hiện từ ngày 10-27/3, trước khi Mỹ công bố các mức thuế quan đối ứng mới, cũng như trước hàng loạt thay đổi nhanh chóng trong chính sách thương mại thế giới. |
Theo EuroCham, những cải cách kinh tế và tái cấu trúc của Việt Nam đã tạo nền tảng vững chắc, giúp củng cố tâm lý tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp vào thời điểm khảo sát. Các doanh nghiệp châu Âu ghi nhận những bước tiến này và nhìn chung thể hiện quan điểm trung lập đến tích cực về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, xu hướng dè chừng đã bắt đầu xuất hiện.
Kết quả khảo sát cho thấy, tâm lý kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam trong quý I/2025 có dấu hiệu cải thiện nhẹ so với các quý trước. 42% doanh nghiệp tham gia khảo sát giữ quan điểm trung lập về môi trường kinh doanh, cho thấy ưu tiên cảnh giác trước những thay đổi đang diễn ra trên thế giới.
“Chỉ số niềm tin kinh doanh của quý này ghi lại một khoảnh khắc hiếm hoi - ngay trước khi làn sóng thuế quan đổ ập xuống nền kinh tế toàn cầu. Doanh nghiệp vẫn giữ tâm lý ổn định nhưng cẩn trọng, lạc quan nhưng đề phòng” - ông Thue Quist Thomasen, CEO của Decision Lab nhận định.
Tại thời điểm khảo sát, tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam cùng với dự báo GDP tích cực (được 37% số doanh nghiệp nhắc đến) cũng giúp phần nào trấn an các nhà đầu tư. Ngoài ra, các doanh nghiệp đánh giá cao cơ hội thương mại và đầu tư (24%), cũng như sự phục hồi của chi tiêu tiêu dùng và du lịch (18%) như những tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn là yếu tố chi phối tâm lý chung. Hơn một nửa số doanh nghiệp (52%) coi suy giảm kinh tế toàn cầu và biến động trong thương mại quốc tế là những mối lo ngại hàng đầu. Trong khi đó, 36% chỉ ra rằng sự không chắc chắn trong chính sách quản lý và quy định pháp lý đang kìm hãm triển vọng kinh doanh của họ.
Duy trì niềm tin thận trọng vào triển vọng phát triển của Việt Nam
Ông Bruno Jaspaert - Chủ tịch EuroCham nhận xét: “Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết các doanh nghiệp châu Âu không thể lường trước những biện pháp thuế quan quyết liệt như vậy. Họ vẫn đặt niềm tin vào khả năng ngoại giao khéo léo của Việt Nam trong việc điều hướng căng thẳng thương mại toàn cầu. Khoảng 2/3 số doanh nghiệp tham gia khảo sát giữ quan điểm trung lập - không quá lạc quan nhưng cũng không quá lo ngại”.
![]() |
Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn duy trì niềm tin thận trọng vào triển vọng phát triển của Việt Nam. Ảnh minh họa |
Số liệu cho thấy chiến lược chuỗi cung ứng (+1%) và khả năng tiếp cận tài chính (+1%) đang ở mức gần như cân bằng, phản ánh một tâm lý đắn đo nhưng có phần tích cực đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Dẫu vậy, những lo ngại vẫn luôn tiềm tàng. 39% doanh nghiệp được khảo sát dự đoán chiến lược giá - bao gồm biến động thuế quan và chi phí vận hành - sẽ là thách thức lớn. Trong khi đó, 36% dự đoán nhu cầu thị trường và doanh thu sẽ gặp khó khăn từ mức trung bình đến đáng kể.
“Mặc dù vậy, phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa điều chỉnh chiến lược đầu tư hoặc tuyển dụng, phản ánh cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát” trước những biến chuyển trong chính sách thương mại toàn cầu được dự báo nhưng chưa chắc chắn ở thời điểm khảo sát” - Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.
Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện các cải cách nội bộ và đối mặt với những thách thức bên ngoài, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn duy trì niềm tin thận trọng vào triển vọng phát triển của quốc gia.
Chủ tịch EuroCham phân tích: “Sức bền của nền kinh tế Việt Nam không chỉ dựa vào những con số tăng trưởng, mà còn ở khả năng thích ứng- cả về mặt cơ cấu nội bộ lẫn chiến lược đối ngoại - trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động. Những thách thức mới liên tục xuất hiện, đòi hỏi sự gắn kết để biến khó khăn thành cơ hội”.
Các doanh nghiệp châu Âu từ lâu đã đánh giá cao sự linh hoạt của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, điều này được củng cố qua cách tiếp cận tinh tế nhưng quyết đoán của Chính phủ trước những thách thức toàn cầu.
Ông Bruno Jaspaert cũng tái khẳng định, trước những biến động mới của cơn bão thuế quan, EuroCham cam kết đảm bảo rằng tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu không chỉ được lắng nghe mà còn được hỗ trợ để vượt qua những chướng ngại này.
“Không chỉ dừng lại ở vận động chính sách, chúng tôi còn hướng đến việc thúc đẩy các giải pháp, đồng hành cùng các nhà hoạch định chính sách để xây dựng một môi trường kinh doanh vừa cạnh tranh vừa bền vững. Con đường phía trước có thể đòi hỏi sự linh hoạt, nhưng một điều chắc chắn vẫn giữ nguyên: Việt Nam và châu Âu cùng theo đuổi mục tiêu chung về khả năng phục hồi kinh tế và tăng trưởng lâu dài” - ông Bruno Jaspaert nhấn mạnh.
Khảo sát cho thấy, 68% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho biết họ sẽ giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư, thể hiện cam kết dài hạn của họ, nhưng con số này đã giảm 7 điểm phần trăm so với quý IV/2024, khi có 75% doanh nghiệp bày tỏ sự tin tưởng tương tự. Điều này phản ánh sự cẩn trọng hơn của các doanh nghiệp châu Âu trong cách nhìn nhận và tiếp cận môi trường đầu tư của Việt Nam. |