Tham dự hội thảo có gần 150 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Chương trình do Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Tạp chí Pháp luật và Phát triển (Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức.

Hội thảo được tổ chức nhằm xác định các giá trị thúc đẩy và những rào cản trong thể chế hiện hành về đầu tư trực tiếp, hướng tới hiện thực hóa nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" trong bối cảnh hoạt động đầu tư được điều chỉnh bởi nhiều luật mới.

Từ những bất cập, hạn chế, hội thảo đã đề xuất các giải pháp khắc phục để thúc đẩy nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hoàn thiện thể chế nhằm thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của đất nước, chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh T.D
Hội thảo nhằm xác định các giá trị thúc đẩy và những rào cản trong thể chế hiện hành về đầu tư trực tiếp hướng tới hiện thực hóa nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Ảnh T.D

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng: Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tạo lập một môi trường pháp lý công bằng, bền vững là yêu cầu cấp bách.

Nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ không chỉ là lẽ sống của mỗi người, mà còn là một cơ sở quan trọng để bảo đảm sự cân bằng giữa các bên liên quan từ nhà đầu tư đến Chính phủ/Nhà nước, xã hội và người dân, cần được ghi nhận để phát triển bền vững.

Tuy nhiên, việc thể chế hóa nguyên tắc này trong pháp luật và tổ chức thi hành nguyên tắc là thách thức, do bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Đây là lúc cần pháp luật để bảo đảm công bằng, minh bạch và áp dụng thống nhất.

"Trong những năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có hoàn thiện pháp luật. Lĩnh vực pháp luật có sự thay đổi, bổ sung và hoàn thiện nhiều nhất có lẽ là lĩnh vực pháp luật kinh tế, kinh doanh. Điều này đã đem lại sự hấp dẫn cho môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, với những số liệu và sự khẳng định từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, từ thực tiễn, có thể thấy vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế mà chúng ta cần khắc phục" - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khẳng định.

Chia sẻ tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn đánh giá hội thảo có cách tiếp cận rất mới và sáng tạo đối với nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Ông Phạm Đức Ấn khẳng định, nguyên tắc này càng trở nên hữu ích khi pháp luật sẽ không có quy định quá chi tiết và sẽ giành quyền cho địa phương theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Hoàn thiện thể chế để hiện thực hóa “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong lĩnh vực đầu tư
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn đánh giá hội thảo có cách tiếp cận rất mới và sáng tạo. Ảnh .T.D

Với Quảng Ninh, quý I/2025 địa phương đã tăng trưởng 10,91%, đứng thứ 7 cả nước, đạt yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhất là việc đánh thuế đối ứng của Hoa Kỳ có những ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh vì có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ, có thể ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh hy vọng sẽ có nhiều hội thảo về công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thể chế được tổ chức tại Quảng Ninh, đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi về 3 nhóm chuyên đề với 20 chuyên đề tham luận bao gồm: Tổng quan về thể chế và nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; Đảm bảo nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" trong các lĩnh vực cụ thể; Quản lý nhà nước và giải quyết tranh chấp nhìn từ “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận các vấn đề xoay quanh việc xác định nội hàm và giá trị của nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" trong thu hút đầu tư để phát triển đất nước trong bối cảnh có nhiều biến động về hoạt động đầu tư trong nước và trên thế giới; thời cơ và thách thức, nhất là từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và nội tại trong nước đã kéo dài nhiều năm trong pháp luật Việt Nam hiện hành, đặc biệt trong Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.