"Bắt bệnh" chậm giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia Giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025: Tìm giải pháp, không kêu khó

Cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều đang được triển khai tốt

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dành cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) là 102.000 tỷ đồng (100.000 tỷ đồng vốn trong nước, 2.050 tỷ đồng vốn nước ngoài).

Chương trình mục tiêu quốc gia: Vẫn còn địa phương có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm
Các Chương trình mục tiêu quốc gia đều đang được triển khai tốt tại các địa phương. Ảnh minh họa

Tổng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là trên 91.956 tỷ đồng. Tổng số kinh phí đã cân đối, bố trí trong dự toán hàng năm trong giai đoạn 2021-2025 là trên 97.889 tỷ đồng, vượt 6% dự kiến.

Riêng trong năm 2025, tổng dự toán, kế hoạch vốn ngân sách trung ương dành cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 53.500 tỷ đồng, trong đó Thủ tướng đã giao gần 30.400 tỷ đồng (gồm gần 22.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, 8.400 tỷ đồng kinh phí thường xuyên). Ước đến hết tháng 3/2025, các địa phương giải ngân 3.836 tỷ đồng vốn đầu tư công (đạt 16%); kinh phí thường xuyên đạt 323 tỷ đồng (đạt 1,8%).

Về kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 9 nhóm mục tiêu cụ thể được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 120/2020/QH14.

Đến nay, có 6 nhóm mục tiêu cơ bản đã hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra gồm: tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thu nhập bình quân; giáo dục; lao động qua đào tạo nghề; bảo tồn, phát triển giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống; tăng cường công tác y tế.

Có 3 nhóm mục tiêu chưa đạt gồm: cải thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; giảm số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; công tác định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 1,93%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 24,86%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 12,55% (giảm 3,95%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Có 19 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn và 3 huyện nghèo thoát nghèo…

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến tháng 3/2025, ở cấp xã trong cả nước có 6.001 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 97,5% mục tiêu của cả giai đoạn). Có 307 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 95,2% mục tiêu của cả giai đoạn).

Có 23 đơn vị cấp tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15 cấp tỉnh có 100% xã và 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 6 tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 40% mục tiêu của cả giai đoạn).

Vẫn còn khó khăn cần khắc phục

Chương trình mục tiêu quốc gia: Vẫn còn địa phương có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm
Tuy nhiên vẫn cần phải khắc phục 1 số khó khăn trong năm cuối cùng của giai đoạn. Ảnh minh họa

Mặc dù đã đạt một số kết quả tích cực, nhưng cũng theo Bộ Tài chính, hiện một số nội dung thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn đang chậm được sửa đổi, bổ sung nên đã làm chậm tiến độ giải ngân vốn các chương trình.

Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan đến quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình phù hợp với chủ trương sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính tại các cấp, đảm bảo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Hơn nữa, tiến độ xây dựng, đề xuất phân bổ, giao dự toán kinh phí thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, ngành, địa phương còn chậm. Đặc biệt, một số địa phương chưa thực sự chủ động thực hiện công tác rà soát, chuẩn bị thủ tục đầu tư ngay từ khâu lập kế hoạch, gặp lúng túng khi áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu mới, nên còn mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư phê duyệt dự án, không kịp thời hoàn thiện thủ tục để đủ điều kiện để phân bổ, giao kế hoạch.

Đáng chú ý, tại nhiều địa phương vẫn còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, chưa thực sự chủ động ban hành định mức hỗ trợ phát triển sản xuất ở phạm vi địa phương; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn…

Ngoài ra, trong những tháng đầu năm 2025, các bộ, ngành, địa phương tập trung chủ yếu cho công tác kiện toàn, sắp xếp bộ máy tổ chức, vì thế chưa tập trung triển khai thực hiện, giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong khi đó, năm 2025 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Do đó, theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả 5 năm để làm tốt hơn với những mục tiêu, chỉ tiêu đã đạt và vượt. Tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ các giải pháp để nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt, phấn đấu các mục tiêu Quốc hội giao.

Với chức năng và quyền hạn của mình, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện việc tổng kết, đánh giá các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến cơ chế, chính sách, phê duyệt các Chương trình mục tiêu quốc gia. Rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình theo hướng đơn giản quy trình, tăng cường phân cấp, phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của chủ chương trình, cơ quan chủ quản chương trình.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan đến quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình phù hợp với chủ trương sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính tại các cấp, đảm bảo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường chỉ đạo, điều hành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025 tại trung ương và địa phương./.