dcm

Nhà máy Đạm Cà Mau hiện đã tăng công suất lên 110%. Ảnh:TL

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho hay, từ khi lên sàn, giá của DCM tương đối đều. Điểm đáng chú ý đối với mã này là cổ phiếu của một công ty có vị thế lớn trong ngành, có thị phần rộng và tiềm năng phát triển. Doanh nghiệp này có chỉ tiêu tài chính qua các năm tốt. Với lợi thế có hai cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Tài chính Dầu khí giúp cho DCM được hưởng các ưu đãi về nguồn cung cấp khí và giá khí đầu vào.

Theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI), ngoài việc là doanh nghiệp trẻ có vốn hóa lớn trên thị trường, các điểm nhấn để lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu DCM là: giá thành sản phẩm của DCM hiện nay cạnh tranh hơn so với nhiều thương hiệu khác trên thị trường, là yếu tố lợi thế rất lớn trong dài hạn của công ty.

DMC đang sở hữu thị phần nội địa lớn, sức tiêu thụ ổn định và nhiều tiềm năng phát triển xuất khẩu, nhất là ở thị trường Campuchia với nhu cầu 250.000 tấn phân bón/năm, trong đó 90% là urê hạt đục. Đây là thị trường DCM đang có thị phần lớn và ưu thế cạnh tranh đặc biệt bởi lợi thế về vị trí địa lý, chi phí logictic...

DCM hiện là doanh nghiệp có quy mô tài sản lớn trong ngành phân bón. Với quy mô công suất nhà máy 800.000 tấn/năm, DCM chiếm 40% thị phần urê nội địa. Trong 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu của Công ty đạt gần 3.500 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế gần 400 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch./.

Hồng Quyên