Để sớm đưa Luật Quản lý nợ công (QLNC – sửa đổi) vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã kịp thời chủ trì xây dựng nhiều văn bản quy định chi tiết nhằm hướng dẫn triển khai luật.

PV: Luật QLNC 2017 với nhiều điểm mới được kỳ vọng có thể giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý nợ công, góp phần đảm bảo nợ công trong giới hạn an toàn, bền vững. Ông nhận định ra sao về điều này?

Ông Trương Hùng Long

Ông Trương Hùng Long

- Ông Trương Hùng Long: Theo tôi, Luật QLNC (sửa đổi) tạo khuôn khổ pháp lý về QLNC phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013, thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, đầu tư mới được ban hành. Luật đã thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quản lý nợ công an toàn, bền vững, hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

Đồng thời, luật cũng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 8 năm triển khai thi hành Luật QLNC năm 2009 như: các tồn tại liên quan đến quy định về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ; cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ, vay nợ của chính quyền địa phương; quản lý rủi ro; thống kê, kế toán, kiểm tra, giám sát nợ công; nâng cao và gắn trách nhiệm giải trình với chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công của các cơ quan có liên quan. Bên cạnh đó, luật cũng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới, nhất là khi Việt Nam đã chuyển thành quốc gia có thu nhập trung bình.

PV: Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng 6 nghị định, hướng dẫn các nội dung của luật, ông có thể cho biết tiến độ triển khai như thế nào?


- Ông Trương Hùng Long: Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo 6 nghị định (gồm: nghị định về nghiệp vụ quản lý nợ công; Nghị định về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; nghị định về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ; nghị định về quản lý Quỹ tích lũy trả nợ; nghị định về quản lý nợ của chính quyền địa phương; nghị định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ); giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Nhằm đảm bảo hướng dẫn kịp thời, đúng thời hạn hiệu lực của luật, Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt, khẩn trương công tác xây dựng cơ chế chính sách trong lĩnh vực quản lý nợ với trọng tâm là việc ban hành đầy đủ các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị khẩn trương trình lãnh đạo Bộ Tài chính triển khai các công việc chuẩn bị xây dựng các nghị định theo đúng quy định, đảm bảo tham khảo ý kiến rộng rãi của các cơ quan có liên quan, người dân, doanh nghiệp, các đối tượng chịu sự điều chỉnh và ảnh hưởng của luật.

Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã ký ban hành 2 nghị định (về quản lý Quỹ tích lũy trả nợ và nghị định về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ). Các nghị định khác do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo cũng đã hoàn thành và hiện đang chờ Chính phủ thông qua, kịp thời hạn hiệu lực của luật.

Cùng với việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo các nghị định hướng dẫn luật, Cục QLN&TCĐN cũng đang trong quá trình xây dựng 5 thông tư, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Kho bạc Nhà nước được giao chủ trì xây dựng 6 thông tư hướng dẫn thực hiện các nghị định nêu trên. Các thông tư hướng dẫn sẽ được ban hành ngay trong năm 2018 này.

PV: Được biết, Cục QLN & TCĐN cũng đã chủ động chuẩn bị các công việc triển khai đồng bộ quy định của Luật QLNC, đặc biệt là việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong lĩnh vực này theo quy định của luật. Ông có thể cho biết cụ thể hơn?

- Ông Trương Hùng Long: Bên cạnh việc khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật như nêu trên, ngay sau khi Luật được ban hành, Bộ Tài chính đã khẩn trương triển khai các công việc để chuẩn bị cho việc thực hiện các quy định của luật.

Từ đầu năm 2018, Cục QLN & TCĐN đã chủ động tổ chức các buổi làm việc với 6 nhà tài trợ (WB, ADB, JICA, KEXIM, KFW, AFD), thông báo về một số quy định mới của luật, trong đó có nội dung thay đổi vai trò đại diện bên vay tại các tổ chức tài chính quốc tế. Theo đó từ 1/7/2018, Bộ Tài chính sẽ thay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đóng vai trò đại diện bên vay tại các thỏa thuận tài trợ của WB và ADB đối với Việt Nam.

Cục QLN&TCĐN đã chủ động đánh giá tình hình triển khai thực tế (về quy trình đàm phán, ký kết Hiệp định khung, quy trình xây dựng danh mục dự án vay, nội dung hiệp định khung,…), để báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng thể về hiệp định khung, trong đó tập trung đưa ra các kiến nghị định hướng các nội dung Bộ Tài chính cần triển khai trong thời gian tới, để tiếp nhận các nhiệm vụ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Về các công việc tổng thể, Cục QLNC&TCĐN đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong Bộ Tài chính xây dựng, trình ban hành Quyết định số 952/QĐ-BTC ngày 19/6/2018 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật QLNC của Bộ Tài chính, bao gồm toàn diện các nhiệm vụ: xây dựng văn bản hướng dẫn; công tác tập huấn, đào tạo, phổ biến; công tác sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ và bộ máy; công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; kế hoạch xây dựng quy chế phối hợp trong QLNC nhằm triển khai có hiệu quả, đầy đủ chức năng của Bộ Tài chính và của Cục QLN&TCĐN theo đúng quy định của Luật QLNC năm 2017.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đức Minh (thực hiện)