Tránh tình trạng “lúng túng” trong thực hiện

Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định này được xem là cần thiết và cấp bách nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Cơ sở để xây dựng Nghị định bao gồm các nghị quyết và kết luận quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị như Nghị quyết số 60-NQ/TW; Kết luận số 21/KL/TW…

Sẽ phân cấp mạnh thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công
Sẽ phân cấp mạnh thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công. Ảnh minh họa

Các văn bản này đều nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương hoàn thiện thể chế, phân định rõ thẩm quyền giữa trung ương và địa phương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để trung ương tập trung quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát. Đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về phân cấp thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công được xem là cần thiết và cấp bách nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Thực tiễn cũng cho thấy, trong quá trình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Cụ thể, Luật số 56/2024/QH15 đã sửa đổi một số điều của 9 luật, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Luật số 56 đã giúp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công (mua sắm, thuê, xử lý tài sản công, phê duyệt đề án sử dụng tài sản công của đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết), theo đó, giao bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định đối với tài sản công thuộc phạm vi quản lý.

Việc phân cấp có thể thực hiện cho đến tận người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản công. Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ quyết định trong một số trường hợp đặc biệt hoặc có tính chất liên bộ, liên địa phương, giữa trung ương và địa phương.

Hơn nữa, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 Luật ngành Tài chính (trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) để tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.

Do đó, để thể chế hoá đầy đủ quan điểm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tránh dẫn đến tình trạng các cơ quan trung ương và các cấp chính quyền ở địa phương, cả cơ quan phân cấp, phân quyền và cơ quan được phân cấp, phân quyền đều lúng túng, việc phục vụ người dân, doanh nghiệp có thể bị gián đoạn; bảo đảm thực hiện đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, việc ban hành Nghị định quy định về phân cấp thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công là cần thiết, cấp thiết.

Đẩy mạnh phân cấp từ trung ương xuống địa phương

Về nội dung, dự thảo Nghị định quy định phân cấp quản lý nhà nước trong quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cụ thể, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định điều chuyển tài sản công thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định điều chuyển tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Trình tự, thủ tục điều chuyển được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung.

Sẽ phân cấp mạnh thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công
Dự thảo Nghị định còn quy định phân cấp trong xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng vốn nhà nước. Ảnh minh họa

Việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất cũng được phân cấp cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương và UBND cấp tỉnh đối với tài sản thuộc phạm vi quản lý của mình.

Thẩm quyền quyết định đối với tài sản của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài như điều chuyển xe ô tô, trụ sở làm việc, nhà ở cũng được phân cấp cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh. Quyền hạn của HĐND cấp tỉnh trong nhiều nội dung quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công được giao cho UBND cấp tỉnh thực hiện.

Dự thảo Nghị định quy định phân cấp quản lý nhà nước trong quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cụ thể, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định điều chuyển tài sản công thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định điều chuyển tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Đối với tài sản kết cấu hạ tầng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có thẩm quyền quyết định giao, phê duyệt đề án khai thác, thu hồi, điều chuyển, bán tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, sử dụng tài sản tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, và điều chuyển vật liệu thu hồi từ thanh lý. Các quy định này giúp cắt giảm việc phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính trong nhiều trường hợp.

Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và UBND cấp tỉnh cùng có thẩm quyền quyết định giao, phê duyệt đề án khai thác, thu hồi, điều chuyển, chuyển giao về địa phương, sử dụng tài sản tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, và điều chuyển vật liệu thu hồi từ thanh lý, giảm bớt các thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ liên quan đến quốc phòng, an ninh, UBND cấp tỉnh được phê duyệt đề án cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác mà không cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương. Tương tự, thẩm quyền quyết định điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi được phân cấp cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương và chủ tịch UBND cấp tỉnh, không phải đề nghị bộ trưởng Bộ Tài chính.

Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, đường sắt, và hàng hải, thẩm quyền phê duyệt đề án khai thác, sử dụng tài sản tham gia dự án PPP, và điều chuyển tài sản cũng được phân cấp cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng và hoặc UBND cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp tỉnh, giảm bớt các thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn quy định phân cấp trong xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng vốn nhà nước và xác lập quyền sở hữu toàn dân. Theo đó, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương và chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định giao tài sản, ghi tăng vốn nhà nước, bán nhà đất, và điều chuyển tài sản khoa học công nghệ trong phạm vi quản lý của mình.

Đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản từ nhiều nguồn khác nhau (tự nguyện chuyển giao, do doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao, BOT/BLT, bị chôn giấu...) được phân cấp cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương và chủ tịch UBND cấp tỉnh. Việc lập, phê duyệt phương án xử lý các loại tài sản này cũng được đơn giản hóa trình tự, thủ tục, loại bỏ yêu cầu đề nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt trong nhiều trường hợp./.