Chính sách miễn học phí thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chế độ
Học sinh cả nước từ mầm non đến phổ thông công lập sẽ được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026. Ảnh tư liệu

Ngân sách dự kiến chi bổ sung 8,2 nghìn tỷ đồng

Ngày 22/5, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo và thảo luận về dự thảo Nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo dự thảo nghị quyết, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ học phí đối với cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Nguồn hỗ trợ là từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác. Ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương chưa cân đối được ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.

Nghiên cứu trả trực tiếp cho học sinh khối tư thục, dân lập

Về phương thức chi trả hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định việc chi trả hỗ trợ học phí cho nhóm đối tượng này theo phương thức cấp trực tiếp cho người học.

Theo số liệu của Chính phủ, số liệu thống kê năm học 2023 - 2024 cho thấy hiện cả nước có 23,2 triệu học sinh. Trong đó gồm 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập, chiếm 7%. Số học sinh chia theo cấp học là: 4,8 triệu trẻ em mầm non (3,8 triệu trẻ em công lập; 1 triệu trẻ em ngoài công lập); 8,8 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh THCS; 2,99 triệu học sinh THPT.

Tổng nhu cầu kinh phí tính theo mức học phí tối thiểu bình quân của 3 khu vực (thành thị, nông thôn, miền núi) tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khối công lập là 28,7 nghìn tỷ đồng; khối dân lập, tư thục là 1,9 nghìn tỷ đồng. Mức ngân sách cần đảm bảo cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức học phí cụ thể của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Trong đó, tổng ngân sách nhà nước đã và sẽ thực hiện miễn, không thu, hỗ trợ học phí kể từ ngày 1/9/2025 theo các quy định hiện hành là 22,4 nghìn tỷ đồng (gồm khối công lập là 21,8 nghìn tỷ đồng; khối dân lập, tư thục 0,6 nghìn tỷ đồng).

Số ngân sách nhà nước dự kiến phải bổ sung thêm khi nghị quyết của Quốc hội được ban hành là 8,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó khối công lập là 6,9 nghìn tỷ đồng; khối dân lập, tư thục là 1,3 nghìn tỷ đồng.

Riêng kinh phí để thực hiện miễn, hỗ trợ học phí cho người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác là 774,2 tỷ đồng cho 431.551 học viên. Đây đều là các học viên công lập, hiện nay chưa có học viên tư thục.

Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9 để áp dụng chính sách từ năm học 2025 - 2026.

Tránh gây áp lực đột ngột lên ngân sách

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Văn hóa và Xã hội cơ bản nhất trí với chính sách tại dự thảo nghị quyết. Đối với nguồn lực thực hiện chính sách, cơ quan thẩm tra lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đồng thời, bổ sung số kinh phí thực hiện đối với học viên học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác vào tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện việc miễn, hỗ trợ học phí từ năm học 2025 - 2026 cho các đối tượng theo dự thảo nghị quyết. Uỷ ban cũng đề nghị Chính phủ điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 đối với các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với việc triển khai nghị quyết này.

Thảo luận tại tổ chiều cùng ngày, các đại biểu đều đồng tình và nhất trí cao với dự thảo nghị quyết. Theo các đại biểu, đây là chính sách thể hiện tính nhân văn, sự ưu việt của chế độ, đảm bảo tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục; đồng thời khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả như kỳ vọng, các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến về quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt về cơ chế phân bổ và quản lý ngân sách.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), mức kinh phí dự kiến khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng mỗi năm là không nhỏ. Do đó, việc xác định đối tượng, phạm vi, mức hỗ trợ, cũng như phương thức chi trả cần có hướng dẫn cụ thể, tránh tình trạng dàn trải, thất thoát, hay trục lợi chính sách.

Nhận xét việc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ là cần thiết, nhưng đại biểu đề nghị cần có khung hướng dẫn thống nhất từ trung ương để đảm bảo công bằng giữa các địa phương, nhất là những tỉnh còn khó khăn về ngân sách.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, phải có lộ trình triển khai và thứ tự ưu tiên hợp lý. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, chúng ta nên ưu tiên trước cho các cấp học phổ cập - đặc biệt là trẻ 5 tuổi, học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Đối với học sinh mầm non (dưới 5 tuổi) và trung học phổ thông, có thể tính toán lộ trình phù hợp để mở rộng dần phạm vi miễn và hỗ trợ học phí, tránh gây áp lực đột ngột lên ngân sách.

Dự thảo quy định: “ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương chưa cân đối được ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan”. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) băn khoăn quy định không cụ thể sẽ dễ dẫn đến việc hỗ trợ không công bằng giữa các địa phương.

Do đó, đại biểu đề nghị quy định rõ, với các tỉnh tự cân đối ngân sách thì giao cho HĐND cấp tỉnh ban hành ban hành nghị quyết đặc thù với nguyên tắc không thấp hơn so với mức hỗ trợ cho học sinh công lập. Còn đối với những tỉnh chưa cân đối được ngân sách, khó khăn trong bố trí ngân sách, vẫn phụ thuộc vào ngân sách trung ương thì sẽ quy định ngay trong nghị quyết là Trung ương sẽ chi trả theo nghị quyết này.

Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030

Cũng trong chiều 22/5, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN).

Tán thành cao với dự thảo nghị quyết, các đại biểu đánh giá chính sách nhân văn này cũng thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp.

Các đại biểu cho rằng, đây sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó giúp tạo công ăn việc làm cho người nông dân, cải thiện cuộc sống, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị cân nhắc việc không miễn thuế SDĐNN đối với các trường hợp đất để hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích phục vụ cho nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện đánh giá định kỳ về hiệu quả của chính sách miễn thuế SDĐNN từ các góc độ về tác động đến kinh tế nông nghiệp, đời sống nông dân và hiệu quả sử dụng đất.

Theo Chính phủ, việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2030 sẽ không làm giảm thu do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2030 thì số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.