Chiều ngày 24/5, tại tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị phát triển ngành sầu riêng bền vững. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Sầu riêng Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn
Tham luận tại hội nghị, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, thị trường xuất khẩu chính của sầu riêng Việt Nam là Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu rất khắt khe về kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, ngành hàng sầu riêng Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong quá trình phát triển. Trong những năm gần đây, diện tích trồng và sản lượng sầu riêng tăng trưởng nóng, kéo theo sự mở rộng nhanh chóng quy mô xuất khẩu. Điều này cũng đặt ra áp lực lớn về kiểm soát chất lượng và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt từ thị trường Trung Quốc.
![]() |
Nếu xác định sầu riêng là sản phẩm chủ lực quốc gia, cần có đầu tư thỏa đáng. Ảnh: TL |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đánh giá, sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản tăng trưởng ấn tượng nhất trong thập kỷ qua. Diện tích trồng sầu riêng đã tăng gần 6 lần, lên gần 180.000ha, trong đó riêng tỉnh Đắk Lắk chiếm hơn 30.000ha, đưa loại quả này trở thành trái cây chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. |
Ở góc độ địa phương, ông Trần Hoàng Nhật Nam - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang cho hay, công tác quản lý mã số vùng trồng tại địa phương đang gặp nhiều bất cập do thiếu nguồn nhân lực và kinh nghiệm, dẫn đến tình trạng sử dụng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói không trung thực.
Còn ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cũng nêu rõ, quá trình sản xuất trong nước vẫn còn thiếu sự chuẩn hóa. Một số trường hợp cho thấy dù không sử dụng hóa chất bị cấm, nhưng sản phẩm vẫn phát hiện tồn dư vượt ngưỡng do không kiểm soát đầy đủ các yếu tố đầu vào.
Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc
Để khắc phục những hạn chế trên, ông Huỳnh Tấn Đạt cho hay, một số giải pháp đã và đang được Việt Nam triển khai như xây dựng mô hình kiểm soát cadmium trong canh tác, tăng cường quản lý sử dụng vật tư nông nghiệp, rà soát và hoàn thiện quy định về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, phòng thử nghiệm.
Bên cạnh đó, xử lý cảnh báo vi phạm và khôi phục mã số; làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu; đồng thời phối hợp với địa phương, doanh nghiệp để giám sát và nâng cao tuân thủ quy định kỹ thuật.
Góp ý để sầu riêng có thị trường xuất khẩu bền vững, ông Jony Hoàng Vũ, đại diện Trung tâm Phân tích Công nghệ cao Hoàn Vũ cho biết, ngành sầu riêng cần đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Về các tiêu chí kỹ thuật của các nước nhập khẩu, ông Jony Hoàng Vũ khẳng định “gỡ là dễ” và sẽ thành công 99% nếu nông dân cùng đồng hành với doanh nghiệp, với các cơ quan quản lý. “ Ngoài ra, ông Jony lưu ý việc xác định nguồn gốc, tuân thủ quy trình kỹ thuật.
![]() |
Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị. |
Đồng quan điểm, bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất - Nhập khẩu trái cây Chánh Thu nhấn mạnh, để có thể cải thiện chuỗi cung ứng sầu riêng, các vùng nguyên liệu rất cần có sự hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp cũng cần loại bỏ hoàn toàn các chất cấm như chất vàng O trong quá trình chế biến, đồng thời tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên liệu an toàn. Cùng với đó, người dân và cơ quan quản lý cần có ý thức, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện chuỗi giá trị sầu riêng, tránh các vấn đề như chất vàng O trong tương lai.
Ông Mai Xuân Thìn - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ cũng chia sẻ, hiện nay, Trung Quốc ưu tiên nghiêm ngặt vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm. Chính phủ nước này tăng cường truyền thông về chất lượng nông sản nhập khẩu, góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng trong nước. Nếu Việt Nam có thể đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng, người tiêu dùng Trung Quốc chắc chắn sẽ ủng hộ mạnh hơn.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, trong suốt giai đoạn khó khăn vừa qua, bộ và các cơ quan chuyên ngành đã tích cực hành động, xây dựng quy trình, hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nghiêm ngặt từ phía bạn hàng Trung Quốc. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam không ngồi yên chờ đợi, mà luôn chủ động và cầu thị trong hợp tác quốc tế.
Về định hướng dài hạn, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề xuất cần có nghiên cứu bài bản để hình thành chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững, từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến xây dựng thương hiệu quốc gia. Theo đó, ngành sầu riêng cần khẩn trương rà soát lại các vùng trồng phù hợp, tránh tình trạng mở rộng tự phát, lạm dụng đất rừng và đất dốc...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy thông tin, trong tuần tới, một đoàn công tác của Bộ sẽ sang làm việc trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng như quy trình kiểm tra, thông quan, kiểm soát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy xuất khẩu sầu riêng Việt Nam. |