Phần lớn các khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ

Thảo luận tại hội nghị của Bộ Tài chính sáng 21/7, đại diện các tập đoàn, tổng công ty cho biết hoạt động của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm đều đảm bảo tăng trưởng, bám sát kế hoạch năm 2025.

Nhiều chỉ tiêu sản lượng chủ yếu ước đạt khoảng 50 - 60% kế hoạch năm, trong đó một số lĩnh vực ghi nhận mức tăng trưởng từ 5 - 15% so với cùng kỳ, cho thấy sự phục hồi và thích ứng tích cực của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Khẩn trương hướng dẫn Luật số 68/2025/QH15: Chìa khoá để doanh nghiệp nhà nước bứt tốc
Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An phát biểu. Ảnh: Đức Minh

Tổng doanh thu của 23 doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu đạt khoảng 1,07 triệu tỷ đồng, ước đạt 50,3% kế hoạch và bằng 100,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 82,1 nghìn tỷ đồng, đạt 60,9% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 102,7 nghìn tỷ đồng, đạt 54,6% kế hoạch. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư phát triển mới đạt khoảng 40% kế hoạch, thấp hơn so với mục tiêu đề ra cho 6 tháng đầu năm.

Với hàng loạt các các cơ chế chính sách đã dần được sửa đổi, ban hành, đặc biệt là Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15), các doanh nghiệp đánh giá hầu hết các khó khăn, vướng mắc hiện nay đã được tháo gỡ.

Các nghị định hướng dẫn luật theo tinh thần tăng cường phân cấp, tiếp tục cụ thể hóa các chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính xây dựng và sẽ sớm được Chính phủ thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/8/2025. Đây là hành lang pháp lý mới, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, các Nghị quyết của Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, và đổi mới công tác xây dựng pháp luật cũng là cơ sở chính trị quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp.

Khẩn trương hướng dẫn Luật số 68/2025/QH15: Chìa khoá để doanh nghiệp nhà nước bứt tốc
Chủ tịch Tổng Công ty Lương thực miền Bắc Bùi Thị Thanh Tâm. Ảnh: Đức Minh

Tại hội nghị các doanh nghiệp cũng đề xuất các kiến nghị, giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn kế hoạch như yêu cầu của Bộ Tài chính.

Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất về giải pháp gỡ room tín dụng cho doanh nghiệp này khi đi vay vốn thực hiện các dự án bởi hiện tập đoàn đã vay hết room. Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đề xuất sớm được cơ quan quản lý phê duyệt kế hoạch khai thác dài hạn. Tổng Công ty Lương thực miền Bắc kiến nghị về việc triển khai chính sách thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động mua bán nông sản thô… Các kiến nghị của doanh nghiệp đã được lãnh đạo Bộ Tài chính lắng nghe và cho ý kiến chỉ đạo cụ thể về từng nội dung.

Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với các xu thế mới

Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá, mặc dù tình hình 6 tháng đầu năm diễn biến phức tạp, nhưng các doanh nghiệp thuộc Bộ đã chủ động đối phó và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều dự án và công việc tồn đọng lâu năm đã được tháo gỡ, khơi thông, đây là một tín hiệu khả quan cho thời gian tới.

Khẩn trương hướng dẫn Luật số 68/2025/QH15: Chìa khoá để doanh nghiệp nhà nước bứt tốc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Tuy nhiên, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn hết sức nặng nề, đặc biệt để góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước từ 8,3% đến 8,5% năm 2025. Trên cơ sở các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng mới, các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp.

Cụ thể, các doanh nghiệp cần chủ động trong việc đánh giá thị trường để có các giải pháp mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và ứng phó với các rào cản thương mại mới hoặc xu hướng thị trường mới. “Đây không chỉ là câu chuyện của 6 tháng cuối năm mà còn đặt ra cho chúng ta trong nhiều năm tới. Ví dụ, Petrolimex nếu không có xoay chuyển về chiến lược kinh doanh từ bây giờ thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn, bởi vì xu hướng hạn chế sử dụng xe xăng. Chúng ta phải tính toán để có những đường đi nước bước, những chiến lược mới, miễn là tuân thủ Luật số 68”, Bộ trưởng nêu rõ

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần lưu ý triển khai tốt Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Đây là một giải pháp đột phá để tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp cũng cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm có tính lan tỏa để đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và vốn doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP.

Đối với việc triển khai Luật 68/2025/QH15 và các nghị định hướng dẫn, Bộ trưởng yêu cầu Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước hoàn thiện nghị định hướng dẫn bám sát với thực tiễn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước.

Khẩn trương hướng dẫn Luật số 68/2025/QH15: Chìa khoá để doanh nghiệp nhà nước bứt tốc
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Trong đó, cần tách bạch giữa câu chuyện đánh giá người quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, hiệu quả của doanh nghiệp để tránh ảnh hưởng đến người lao động. “Người đại diện vốn có thể chưa hoàn thành nhiệm vụ vì những lý do khách quan, nhưng người lao động cũng đã rất cố gắng, đừng vì người đứng đầu mà ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động”, Bộ trưởng lưu ý.

Đối với các kiến nghị của các tập đoàn, tổng công ty, Bộ trưởng yêu cầu rà soát và xử lý nhanh nhất có thể. Trong đó, đặc biệt lưu ý các yếu tố liên quan đến triển khai kế hoạch kinh doanh, kịch bản tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công, vốn đầu tư của doanh nghiệp…

Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước khẩn trương tiếp tục rà soát, tháo gỡ ngay các vướng mắc về chính sách trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, phối hợp với Bộ Nội vụ để tham mưu cơ chế tiền lương cho người quản lý doanh nghiệp nhà nước, nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo và phù hợp với cơ chế quản trị tiên tiến, với quan điểm đổi mới về tiền lương tại Luật 68.

Trình Bộ Chính trị Đề án phát triển kinh tế nhà nước

Hiện tại, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng Đề án phát triển kinh tế nhà nước để trình Bộ Chính trị vào tháng 9. Trong đó, nội hàm của phát triển kinh tế nhà nước chủ yếu sẽ là doanh nghiệp nhà nước. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp phải cùng tham gia, đặc biệt là SCIC.

Trong đề án này, dự kiến sẽ làm rõ quan điểm về đầu tư vốn của nhà nước vào các doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp vừa kinh doanh, vừa làm nhiệm vụ chính trị hay những doanh nghiệp đơn thuần, sẽ có các quan điểm rõ ràng về việc khi nào được đầu tư thêm, khi nào cần thoái vốn. Cần có quan điểm rất rõ ràng để xử lý, Bộ trưởng nhấn mạnh.