![]() |
Đẩy mạnh số hóa, mở rộng thị trường cho vay tiêu dùng
Công ty TNHH Lotte C&F Việt Nam vừa ký kết hợp tác với một ngân hàng để triển khai giải pháp tài chính tiêu dùng, hướng tới xây dựng nền tảng mua sắm tài chính hàng đầu tại Việt Nam, bắt kịp xu hướng chi tiêu mua trước - trả sau đang được giới trẻ ưa chuộng.
Tài chính tiêu dùng chuyển trọng tâm sang nhóm khách hàng ít rủi ro"Với quy mô cho vay tín chấp lớn dành cho các khách hàng thu nhập thấp, vốn chưa được các ngân hàng khai thác, ngành tài chính tiêu dùng vẫn dễ bị ảnh hưởng trước các biến động vĩ mô và rủi ro gian lận từ phía khách hàng trong 5 năm qua. Việc Mỹ tăng thuế quan có thể tác động tiêu cực đến thu nhập và khả năng trả nợ của khách hàng. Để ứng phó, các công ty như FE Credit, MAFC và Shinhan Finance đang chuyển sang các phân khúc rủi ro thấp hơn như: cho vay hàng tiêu dùng và xe hai bánh thông qua hợp tác với các chuỗi bán lẻ. Trong khi đó, Mcredit tích cực ứng dụng dữ liệu khách hàng từ các bên thứ ba như Bộ Công an, nhằm nâng cao khả năng sàng lọc khách hàng, phát hiện gian lận sớm". Ông Phan Duy Hưng - Chuyên gia VIS Rating |
Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty TNHH Lotte C&F Vietnam cho biết, khách hàng sẽ được ngân hàng đối tác xét duyệt và cấp hạn mức tín dụng từ 8 - 20 triệu đồng, hiển thị trực tiếp trên ứng dụng sau khi hoàn tất ký kết hợp đồng. Hạn mức này có thể được sử dụng để mua sắm tại Lotte Mall, 16 cửa hàng Lotte Mart và hệ thống Lotte Department Store, với các lựa chọn trả góp linh hoạt từ 1 - 12 tháng.
“Mức phí áp dụng là 3,5% trên tổng giá trị đơn hàng. Ví dụ, đơn hàng 900.000 đồng trả trong 1 tháng, khách hàng sẽ phải trả 931.500 đồng" - nhân viên này dẫn chứng.
Chia sẻ tại sự kiện ký kết hợp tác, ông Inaishi Noritaka - đại diện Lotte C&F cho biết, giải pháp này không chỉ nâng cao trải nghiệm tiêu dùng tại hệ thống bán lẻ Lotte, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các hình thức tài chính hiện đại, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dùng.
Mô hình B2B2C (Business To Business To Customer) đang mang lại hiệu quả rõ rệt tại các công ty tài chính khi giúp mở rộng kênh phân phối và tiếp cận khách hàng gián tiếp nhưng hiệu quả. Đơn cử, công ty tài chính A có thể hợp tác với các đối tác bán lẻ là các doanh nghiệp B như: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng điện máy hoặc nền tảng thương mại điện tử để tích hợp giải pháp vay vốn, trả góp ngay tại điểm bán. Khi người tiêu dùng mua sắm tại các đối tác này, có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính từ doanh nghiệp A mà không cần đến chi nhánh hay thực hiện thủ tục phức tạp.
Cũng đem đến nhiều gói vay linh hoạt, ứng dụng số hoá để tối ưu hóa trải nghiệm và tiện lợi cho khách hàng, hiện HD Saison cung cấp nhiều gói vay đa dạng, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu tài chính của người tiêu dùng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đơn cử, gói vay học phí ưu đãi dành cho sinh viên có lãi suất chỉ 0,69%/tháng với khoản vay 3 triệu trong 3 tháng. Theo nhân viên HD Saison, phụ huynh cũng có thể đăng ký vay cho con em qua ứng dụng, với hạn mức cao hơn từ 17 - 39 triệu đồng, thời hạn vay dài hơn nhưng giữ nguyên lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, để được xét duyệt, người vay cần cung cấp nhiều giấy tờ hơn như: chứng minh quan hệ, biên lai học phí hoặc bảng điểm... Bên cạnh đó, công ty còn cung cấp gói vay dành cho hộ kinh doanh nhỏ, với hạn mức từ 10 - 20 triệu đồng, thời hạn vay từ 12 - 36 tháng, với mức lãi suất cao hơn, lên tới 2,84%/tháng.
Tín dụng tiêu dùng dẫn sóng tăng trưởng, nhưng rủi ro phân hóa rõ nét
Hiện Việt Nam có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động. Trong số đó, một số tên tuổi lớn như FE Credit, HD Saison và Mcredit đang dẫn đầu thị trường, ngoài ra còn có: VietCredit, Home Credit, Lotte Finance, TNEX, Công ty Tài chính Mirae Asset (MAFC)...
Tài chính tiêu dùng là lĩnh vực giàu tiềm năng nhờ mô hình cho vay linh hoạt, không yêu cầu tài sản đảm bảo hay thủ tục phức tạp. Điểm chung của các hình thức cho vay tiêu dùng tại Lotte C&F hay HD Saison là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại như eKYC, Big Data và AI, giúp rút ngắn thời gian giải ngân chỉ vài phút đến vài giờ và mở rộng tiếp cận tín dụng cho sinh viên, lao động phổ thông và những người chưa có lịch sử tín dụng. Việc đánh giá rủi ro cũng dựa vào hành vi chi tiêu và giao dịch thực tế, thay vì chỉ phụ thuộc vào dữ liệu từ Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC) như truyền thống.
Tín dụng tiêu dùng nhiều năm qua tăng trưởng gần gấp đôi so với toàn hệ thống ngân hàng, nhờ tập trung vào nhóm khách hàng thu nhập thấp đến trung bình 5 - 10 triệu đồng/tháng, chiếm 47% dân số trong độ tuổi lao động, cùng lực lượng lao động phi chính thức khoảng 33 triệu người chủ yếu sử dụng tiền mặt hoặc tín dụng phi chính thống. Tốc độ tăng trưởng GDP cao những năm tới cũng sẽ duy trì đà tăng trưởng tín dụng tiêu dùng.
Dù dư địa tăng trưởng còn nhiều, song theo ông Phan Duy Hưng - Chuyên gia phân tích cao cấp tại VIS Rating, rủi ro và lợi nhuận các công ty tài chính tiêu dùng sẽ có xu hướng phân hóa rõ nét. Theo đó, những đơn vị tập trung vào các phân khúc rủi ro thấp như Home Credit hay HD Saison có khả năng duy trì hoạt động ổn định.
Trong khi đó, các công ty đẩy mạnh cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng như Mcredit, FE Credit... đối mặt với rủi ro tài sản cao hơn. Nguyên nhân bởi các khoản vay thường không có tài sản đảm bảo và dễ bị ảnh hưởng nếu người vay gặp khó khăn tài chính. Rủi ro càng tăng trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, trong đó có việc Mỹ tăng thuế quan, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thu nhập của người dân.
Kỳ vọng phục hồi trong nửa cuối năm, lợi nhuận cải thiện
Theo báo cáo từ Công ty cổ phần Chứng Khoán MB (MBS), trong quý I/2025, HD Saison ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 28% so với cùng kỳ, đạt 330 tỷ đồng, nhờ nhu cầu vay mua xe máy tăng mạnh. Trong khi đó, FE Credit trở lại có lãi với 79 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thu nhập phí thuần tăng 60% và thu nhập khác tăng đột biến 280% so với cùng kỳ.
Chất lượng tài sản của các công ty tài chính tiêu dùng lại ghi nhận diễn biến trái chiều. Theo MBS, trong khi Mcredit và HD Saison cải thiện nhẹ tỷ lệ nợ xấu.
"Chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ phục hồi dần trong nửa cuối năm 2025, được thúc đẩy bởi động lực tăng trưởng GDP 8%, thu nhập hộ gia đình cải thiện và khung pháp lý thuận lợi hơn. Với mô hình hoạt động cốt lõi là hợp tác B2B2C, các công ty tài chính sẽ tiếp cận khách hàng tốt hơn và thúc đẩy mở rộng sử dụng thẻ tín dụng" - MBS nhận định.
Còn theo dự báo của VIS Rating, lợi nhuận toàn ngành tài chính tiêu dùng được dự báo sẽ cải thiện nhẹ, nhờ biên lãi ròng (NIM) duy trì ổn định từ các khoản vay có lợi suất cao. Tuy nhiên, những công ty tập trung cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng như Mcredit, FE Credit và SHBFinance có thể phục hồi chậm hơn, do nhu cầu tín dụng suy giảm dưới tác động của bất ổn kinh tế vĩ mô và đối mặt với chi phí tín dụng cao hơn do rủi ro tài sản gia tăng. Trong khi đó, một số công ty đang tinh giản hoạt động bằng cách số hóa quy trình tiếp cận khách hàng và mở rộng hợp tác với các nhà bán lẻ, ví điện tử./.