![]() |
Thời gian qua, nguồn lực dành đầu tư công ngày càng tăng, đặc biệt cho các dự án hạ tầng quan trọng. Ảnh: Đức Thanh |
Thiết kế lộ trình toàn diện để tăng trưởng cao và bền vững
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng đột phá, không chỉ dựa vào đầu tư và xuất khẩu truyền thống, mà còn tích hợp sâu rộng cải cách thể chế, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và các vùng kinh tế động lực.
Tốc độ giải ngân đóng vai trò quyết định Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thì việc tận dụng hết dư địa tăng của đầu tư công có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, đẩy nhanh tốc độ giải ngân đóng vai trò quyết định trong việc phát huy tác động của đầu tư công tới tổng cầu. Chuyên gia của Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị thiết lập các cơ chế đặc thù để rút ngắn quy trình đầu tư công, từ chuẩn bị đầu tư đến tổ chức thực hiện, đặc biệt với các dự án quan trọng quốc gia. Bên cạnh đó, cần áp dụng tiêu chí đánh giá định lượng hiệu quả đầu tư công gắn với mục tiêu tăng trưởng và việc làm, thay vì chỉ đánh giá trên tiêu chí tài khóa hoặc giải ngân. |
Đây là nội dung chính các kiến nghị chính sách của nhóm chuyên gia của Đại học Kinh tế Quốc dân, nhằm thiết kế một lộ trình toàn diện để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số, đồng thời đảm bảo tính bền vững trong dài hạn.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, bài học từ các quốc gia Đông Á thành công đã cho thấy tầm quan trọng của việc triển khai chính sách phát triển đồng bộ và có chiến lược. Trong đó bao gồm xây dựng kế hoạch dài hạn, ưu tiên các ngành công nghiệp then chốt, linh hoạt chuyển dịch cơ cấu kinh tế và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhấn mạnh vai trò định hướng của Nhà nước, PGS.TS Phạm Thế Anh kiến nghị Nhà nước cần định hướng mạnh mẽ hơn trong việc xác định các ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn và tạo chính sách hỗ trợ cụ thể về thuế, tín dụng, môi trường kinh doanh.
Chính sách ưu tiên phát triển các ngành xuất khẩu có giá trị gia tăng cao là hướng đi chiến lược để nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững. Đi cùng với đó là đầu tư công hiệu quả và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trước những thách thức về thuế quan và sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ hiện nay trên thế giới, Việt Nam đang có xu hướng chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang mô hình tăng trưởng dẫn dắt bởi đầu tư công. Thời gian qua, nguồn lực dành đầu tư công ngày càng tăng, đặc biệt cho các dự án hạ tầng quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề là hiệu quả chưa tăng cùng với số lượng.
Thiết lập tiêu chí phân bổ vốn rõ ràng, khách quan
Để đầu tư công phát huy hiệu quả tối đa trong mô hình tăng trưởng mới, PGS.TS Phạm Văn Hùng - Đại học Kinh tế Quốc dân, kiến nghị thay đổi tư duy về đầu tư công theo hướng "kiến tạo" cho phát triển và dẫn dắt đầu tư theo yêu cầu của kỷ nguyên mới.
Theo đó, đầu tư tư công cần đóng vai trò dẫn dắt chiến lược vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng xanh, chống biến đổi khí hậu. Nguồn vốn đầu tư cần được ưu tiên cho hạ tầng phục vụ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (trung tâm nghiên cứu, khu công nghệ cao, vườn ươm khởi nghiệp) và hạ tầng số nền tảng (mạng 5G, dữ liệu mở, trung tâm dữ liệu, AI).
Để kiểm soát hiệu quả đồng vốn bỏ ra, tiêu chí phân bổ vốn phải được thiết lập rõ ràng; có hệ thống tiêu chí khách quan và định lượng dựa trên năng lực hấp thụ của địa phương, nhu cầu đầu tư thực tiễn và hiệu quả định lượng của từng dự án. Chẳng hạn, tỷ lệ tăng trưởng GRDP, chỉ số hấp thụ vốn, tác động lan tỏa về việc làm và thu ngân sách.
Cơ chế quản lý đầu tư công cũng phải được đổi mới theo hướng thiết lập cơ chế giám sát, đánh giá độc lập, phản hồi chính sách linh hoạt với trách nhiệm giải trình cao hơn. Toàn bộ quá trình quản lý đầu tư công cần được số hoá, ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong đánh giá hiệu quả dự án theo thời gian thực.
Quy trình đánh giá và cập nhật kế hoạch đầu tư trung hạn định kỳ cần được thiết lập, tích hợp kết quả giải ngân, tiến độ và hiệu quả của các năm trước, đi cùng với đó là ứng dụng các công cụ đánh giá kinh tế và xã hội trong quá trình lập danh mục và quyết định phân bổ vốn.
Để làm tốt vai trò “vốn mồi”, vị chuyên gia của Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất ưu tiên đầu tư công vào các dự án có tính lan tỏa cao, kích thích đầu tư của nhiều thành phần kinh tế. Đầu tư tập trung vào các lĩnh vực có khả năng kích thích cầu liên ngành, tạo chuỗi liên kết với khu vực tư nhân. Đồng thời, cần hoàn thiện khung pháp lý cho PPP, chuẩn hóa quy trình đấu thầu và phân bổ rủi ro trong các dự án hạ tầng trọng điểm.
Như vậy, “đầu tư công không chỉ là công cụ tài chính, mà cần trở thành đòn bẩy thể chế và bộ lọc chiến lược cho lựa chọn các phương án phát triển có giá trị gia tăng cao, bền vững và có tính lan tỏa mạnh trong nền kinh tế”, PGS.TS Phạm Văn Hùng khẳng định.
Tất cả những giải pháp trên, đều có liên quan chặt chẽ đến việc hoàn thiện đồng bộ thể chế cho phát triển, tập trung vào thể chế kinh tế thị trường, điều mà PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn kiến nghị trong nghiên cứu của mình.
Theo ông, cần phân rõ hai nhóm chức năng: quyết sách chính trị do Đảng đưa ra, vấn đề kỹ trị giao cho nhà nước pháp quyền. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải tăng cường năng lực của nhà nước để có thể điều phối, quản lý hiệu quả trong một nền kinh tế ngày càng trở nên phức tạp – không chỉ bên ngoài mà cả bên trong.
Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, đảm bảo họ "muốn làm, làm được và được làm". “Các công chức cần có niềm tự hào khi được đóng góp cho sự phát triển đất nước; họ dấn thân nhưng liêm chính, không bị chi phối và thao túng bởi các nhóm lợi ích, đặc quyền đặc lợi. Đây là một trong những chìa khóa của Nhật Bản, Hàn Quốc để tăng trưởng cao và bền vững”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Mở biên chính sách theo hướng vùng hóa Trong bối cảnh Việt Nam đổi mới mạnh mẽ về cơ cấu hành chính, nhân tố vùng cần được xem như là nhân tố hợp lực mang tính quyết định cho sự thành công của mô hình tăng trưởng mới. Theo nhóm nghiên cứu của GS.TS Lê Quốc Hội, Đại học Kinh tế Quốc dân, việc sáp nhập các địa phương, xóa bỏ cấp trung gian sẽ tạo ra những dư địa mới cho liên kết vùng, nhưng cũng đặt ra những thách thức về quản trị địa phương trên không gian lãnh thổ rộng lớn hơn. Nói cách khác, việc sáp nhập các tỉnh mới chỉ là bước “mở biên hành chính” để tạo không gian phát triển rộng lớn hơn cho các địa phương. Để biến tiềm năng đó thành hiện thực tăng trưởng, cần đồng thời “mở biên chính sách theo hướng vùng hóa” một cách mạnh mẽ, kịp thời và quyết liệt. Từ khâu quy hoạch, phát triển hạ tầng, đến cải cách thể chế, nguồn nhân lực, môi trường đầu tư... tất cả các vấn đề này đều phải được nhìn ở tầm vùng và triển khai dưới góc độ hợp tác vùng. Nếu không có những chính sách phát triển vùng phù hợp và thể chế quản trị vùng hiệu quả, chúng ta sẽ khó lòng tận dụng được tối đa các lợi thế quy mô do việc mở rộng địa giới hành chính mang lại. Ngược lại, nếu nhân tố vùng được phát huy hữu hiệu thông qua liên kết hạ tầng, điều phối nguồn lực, chia sẻ thông tin và phối hợp chiến lược phát triển...các địa phương sẽ có thể tạo ra sức mạnh cộng hưởng, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và bền vững hơn so với cách làm riêng lẻ, tự thân, rời rạc. Do đó, việc tập trung vào mũi nhọn nhân tố vùng chính là tìm kiếm một động lực mới, dư địa mới, “đột phá khẩu mới” cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới bên cạnh những nhân tố truyền thống. |