Bí thư Đảng ủy Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chủ trì cuộc họp

Bí thư Đảng ủy Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chủ trì cuộc họp về triển khai công tác đảng năm 2020. Ảnh: Trung Kiên

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mọi chặng đường lịch sử

Ông Nguyễn Hữu Thân - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tài chính cho biết, ngày 28/8/1945, Bộ Tài chính được thành lập. Đồng chí Phạm Văn Đồng là Bộ trưởng và là đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Bộ Tài chính. Trong điều kiện hoạt động phân tán và số lượng đảng viên ít, đảng viên ở cơ quan Bộ Tài chính sinh hoạt ghép với chi bộ của Đảng đoàn Chính phủ.

Đến cuối năm 1947, Chi bộ Tài chính được thành lập với tên gọi là “Hội cán bộ tiết kiệm” với 5 đảng viên. Đến giữa năm 1950, Chi bộ có 48 đảng viên, Ban Chi ủy có 5 đồng chí và đồng chí Nguyễn Lâm giữ chức Bí thư Chi bộ. Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tài chính phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong giai đoạn mới, vào năm 1952, Đảng bộ Bộ Tài chính được thành lập với 4 chi bộ trực thuộc gồm Chi bộ Văn phòng Bộ, Chi bộ Sở kho thóc, Chi bộ Sở thuế - Vụ Ngân sách – Vụ Kế toán và Chi bộ Ban cung cấp với 131 đảng viên.

Những năm đầu thành lập, trong điều kiện hoạt động bí mật, phân tán nhưng chi bộ, đảng bộ, đảng viên trong Đảng bộ Bộ Tài chính đã lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính – ngân sách, xây dựng các chế độ, chính sách tài chính mới, phát triển bộ máy, nguồn nhân lực tài chính phục vụ có kết quả nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc.

Tổ chức Đảng, đảng viên trong Bộ Tài chính đã lãnh đạo, tổ chức thành công nhiều phong trào thi đua, như: Quỹ Độc lập; Tuần lễ vàng; Chế độ đảm phụ quốc phòng; Công trái kháng chiến; Tăng gia sản xuất, dự trữ hàng thiết yếu, giảm các thứ thuế vô lý của chế độ cũ, thực hành tiết kiệm, tiết kiệm tiêu dùng; Ăn cơm nhà, làm việc nước; Hũ gạo nuôi quân, quỹ mùa đông binh sỹ; Thuế không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người,... của ngành Tài chính.

Trong những năm tháng xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam, Đảng bộ Bộ Tài chính đã xác định đúng đắn nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của thời kỳ này là xây dựng các chính sách tài chính để khôi phục, phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tăng cường tài lực, vật lực cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng bộ Bộ Tài chính, nhiều chính sách, chế độ tài chính được bổ sung, sửa đổi, được ban hành đảm bảo cho thu ngân sách tăng đều qua từng năm, bảo đảm chi NSNN cho các nhu cầu thiết yếu về hành chính, phát triển sản xuất và quốc phòng của đất nước, như: Chế độ động viên thu thuế quốc doanh, ổn định mức thuế nông nghiệp, điều lệ thuế công thương nghiệp, chế độ kế toán mới,…

Không ngừng đổi mới, sáng tạo

Đồng chí Nguyễn Hữu Thân cho biết, Đảng bộ Bộ Tài chính hiện nay là đảng bộ cấp trên cơ sở, trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Đảng ủy cấp trên, trực tiếp tổ chức cơ sở Đảng theo quyết định số 215 – QĐ/TW ngày 5/12/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cùng với toàn ngành Tài chính, Đảng bộ Bộ Tài chính không ngừng đổi mới cả về tổ chức, phát triển đảng viên và đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị, đảng viên luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó.

Đảng bộ Bộ Tài chính thường xuyên kiện toàn tổ chức, tăng cường công tác phát triển đảng, đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt đảng.

Suốt 74 năm qua, Đảng bộ Bộ Tài chính đã làm tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của Bộ Tài chính, của ngành Tài chính.

Bộ Tài chính luôn làm tốt vai trò tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành hệ thống, đồng bộ, toàn diện các quy định pháp luật, chỉ thị, nghị quyết, các chỉ tiêu tài chính để xây dựng nền tài chính từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đảng bộ Bộ Tài chính tham gia xây dựng chiến lược tài chính đến năm 2020, nhằm đảm bảo nền tài chính quốc gia lành mạnh, phát triển bền vững, giữ vững an ninh tài chính, ổn định với mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế; giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính có hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, giám sát tài chính,…

Với nhiều cách làm sáng tạo, liên tục đổi mới, trách nhiệm công vụ cao, cán bộ, đảng viên cơ quan thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính đã góp phần quan trọng đẩy lùi suy thoái, ổn định kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế, cải thiện an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng, hội nhập kinh tế quốc tế. Tiềm lực tài chính – ngân sách không những được củng cố, ổn định mà liên tục phát triển tương xứng với nền kinh tế của đất nước.

Đức Minh