Khảo sát chỉ số PAPI cho thấy, người dân hài lòng hơn các dịch vụ công
Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với TS. Catherine Phương - Trợ lý Trưởng đại diện thường trú của UNDP (Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc) tại Việt Nam.
* PV: Xin bà chia sẻ với chúng tôi về những kết quả nổi bật trong cuộc khảo sát chỉ số PAPI năm 2018 và xu hướng thay đổi của chỉ số PAPI ở Việt Nam trong 10 năm qua?
- TS. Catherine Phương: Năm nay là năm thứ 10 chúng tôi triển khai nghiên cứu chỉ số PAPI tại Việt Nam. Chúng tôi giữ lại một số câu hỏi chính qua các kỳ khảo sát để có thể làm cơ sở so sánh và đưa ra thêm một số câu hỏi mới để phù hợp với bối cảnh thực tế. Năm nay, chúng tôi đã đưa ra thêm một số câu hỏi liên quan đến quản trị môi trường và quản trị điện tử. Chúng tôi đã tìm ra những kết quả rất thú vị. Trong 10 năm qua, xu hướng chung của chỉ số PAPI là tăng điểm, có sự cải thiện qua các năm.
![]() |
TS. Catherine Phương |
Kết quả nghiên cứu PAPI 2018 cho thấy một điều đáng ngạc nhiên là toàn bộ 6 nội dung gốc đều có cải thiện. Chúng tôi nhận thấy sự cải thiện rõ rệt trong chỉ số về minh bạch, trách nhiệm giải trình. Đặc biệt, qua báo cáo, người dân cho biết nhũng nhiễu trong lĩnh vực y tế và giáo dục tiểu học công lập thuyên giảm. Họ hài lòng hơn với hầu hết dịch vụ công căn bản và các cấp chính quyền cơ sở tương tác với người dân nhiều hơn. Điểm các chỉ tiêu đo lường dịch vụ hành chính công về cấp phép xây dựng và dịch vụ “một cửa” cấp xã, phường tăng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân cho rằng, có nhũng nhiễu trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện tượng cán bộ sử dụng công quỹ vào mục đích riêng không giảm. Đặc biệt, người dân trên phạm vi cả nước cho rằng, chất lượng nguồn nước sinh hoạt, ăn uống nơi họ sinh sống kém 3 năm trước…
Khảo sát PAPI 2018 cũng cho thấy, mỗi địa phương đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Không có địa phương nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 8 chỉ số nội dung. Hơn nữa, khoảng cách giữa những tỉnh đạt điểm cao nhất (ví dụ: Lạng Sơn, Bến Tre 47,05 điểm) và mức điểm tối đa là 80 điểm (trên thang điểm từ 10 đến 80 điểm cho tất cả 8 chỉ số nội dung) còn rất xa. Khoảng cách này cho thấy còn nhiều cơ hội đổi mới chính sách và cách thức thực thi chính sách để chính quyền các cấp ngày càng cởi mở hơn, minh bạch hơn; thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn; đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân; hoạt động có mục đích và thực hành liêm chính tốt hơn. Nhìn vào tổng hợp các chỉ số qua các năm, có thể thấy rằng, các tỉnh thành ở khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ có điểm số tương đối cao hơn so với các khu vực khác.
* PV: Nhắc đến việc cung cấp và hiệu quả của các dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam, bà có đánh giá như thế nào?
- TS. Catherine Phương: Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều ưu tiên cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong quá trình này. Hiện nay, hơn 50% người dân tại Việt Nam được tiếp cận với internet ở nhà. Tuy nhiên, việc sử dụng những dịch vụ công trực tuyến còn rất hạn chế. Điều này là do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Nhiều người không biết được rằng, họ có thể sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Một số dịch vụ vẫn chưa được đơn giản hóa khiến người dân gặp khó khăn trong quá trình sử dụng.
Chúng ta có thể sử dụng internet để nâng cao hiệu quả, sự tương tác giữa Chính phủ và người dân trong quá trình cung cấp dịch vụ công. Các dịch vụ công trực tuyến cần phải đơn giản, dễ sử dụng. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng tham nhũng. Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn trong vấn đề này và chúng tôi hy vọng nó sẽ được cải thiện trong những năm tiếp theo.
* PV: Theo bà, cuộc khảo sát chỉ số PAPI đã có tác động như thế nào đến quá trình cải cách hành chính ở các địa phương? Bà có khuyến nghị gì dành cho các địa phương tại Việt Nam, nhằm giúp nâng cao chất lượng dịch vụ công và đáp ứng nhu cầu của người dân?
- TS. Catherine Phương: Chúng tôi cảm thấy rất vui khi thấy rằng, quá trình khảo sát chỉ số PAPI đã có những tác động tích cực đến các tỉnh trong thời gian qua. Cụ thể, đã có ít nhất 60 trong số 63 tỉnh thành tại Việt Nam đã ban hành những kế hoạch hành động, nhằm khắc phục những tồn tại qua chỉ số PAPI, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân. Chúng tôi đã trao đổi với một số tỉnh thành về kết quả chỉ số PAPI và làm thế nào để khắc phục những hạn chế, tồn tại và nhiều địa phương đã có những cải thiện rõ rệt về hiệu quả quản trị và hành chính công.
Tôi cho rằng, các địa phương nên tìm hiểu kỹ những kết quả, phát hiện mà chúng tôi đã đề cập trong cuộc khảo sát PAPI vừa rồi. Chúng tôi đã đăng tải tất cả nội dung đó lên trang web: ww.papi.org.vn. Các tỉnh thành có thể tìm thấy thông tin của mình trên trang này, tìm ra được những lĩnh vực mà mình đang làm tốt và những vấn đề còn đang tồn tại và có định hướng, cách giải quyết cho từng lĩnh vực sau này, để phục vụ người dân tốt hơn. UNDP luôn sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh thành ở Việt Nam.
* PV: Xin cảm ơn bà!
Chỉ số PAPI đánh giá trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả của các cấp chính quuyền trong thực hiện vai trò quản lý nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật, cung ứng dịch vụ hành chính và dịch vụ công căn bản tới mọi người dân. Ngoài 6 nội dung gốc (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công), PAPI 2018 có 2 nội dung mới (quản trị môi trường và quản trị điện tử). |
Thảo Miên (thực hiện)