![]() |
Ngày 21/5, giá lúa trong nước duy trì mức ổn định. Ảnh minh họa |
Thị trường trong nước
Theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, giá lúa bình ổn. Cụ thể, lúa OM 380 (tươi) dao động 5.300 – 5.500 đồng/kg; OM 18 và Đài Thơm 8 ở mức 6.800 – 7.000 đồng/kg; IR 50404 giữ mức 5.300 – 5.500 đồng/kg; OM 5451 dao động từ 6.000 – 6.200 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giữ vững trong biên độ 6.550 – 7.000 đồng/kg.
Đối với mặt hàng gạo, ghi nhận tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giá gạo nguyên liệu có chiều hướng tăng nhẹ. Cụ thể, gạo nguyên liệu IR 504 tăng 50 đồng/kg, lên mức 8.250 – 8.350 đồng/kg.
Giá gạo nguyên liệu CL 555 hiện giao dịch ở mức 8.600 – 8.800 đồng/kg; gạo OM 380 dao động 8.000 – 8.100 đồng/kg; OM 18 ở mức 10.200 – 10.400 đồng/kg; gạo Jasmine hiện ở mức 17.000 – 18.000 đồng/kg.
Tại các chợ bán lẻ, giá gạo bình ổn. Gạo thơm phổ biến 18.000 - 22.000 đồng/kg; gạo thường 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm Thái 20.000 - 22.000 đồng/kg; Hương Lài niêm yết 22.000 đồng/kg. Đặc biệt, gạo Nàng Nhen vẫn giữ mức cao nhất với giá 28.000 đồng/kg.
Phân khúc nếp hiện chưa có nhiều biến động. Nếp IR 4625 (khô) dao động từ 9.700 – 9.900 đồng/kg; các loại nếp tươi và khô khác duy trì mức giá từ 7.700 – 8.000 đồng/kg.
Nhóm phụ phẩm ghi nhận bước tăng rõ rệt. Cụ thể, tấm OM 5451 hiện dao động ở mức 7.500 – 7.600 đồng/kg. Đáng chú ý, giá cám tiếp tục tăng thêm 200 đồng/kg, lên mức 7.900 – 8.200 đồng/kg. Giá trấu dao động cao từ 1.000 – 1.150 đồng/kg.
Trên thị trường xuất khẩu
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 21/5, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam duy trì mức 397 USD/tấn, tiếp tục chuỗi ngày ổn định. Dù thấp hơn mức 404 USD/tấn của Thái Lan, song giá gạo Việt vẫn cao hơn đáng kể so với gạo cùng loại của Ấn Độ và Pakistan (382 – 387 USD/tấn), thể hiện sự cạnh tranh tốt về chất lượng và thương hiệu.
Tại thị trường Trung Quốc – một trong những khách hàng lớn của gạo Việt – nhu cầu nhập khẩu tăng vọt trong tháng 3 với 240.000 tấn, tăng 130.000 tấn so với tháng trước. Trong đó, Việt Nam dẫn đầu nguồn cung với 94.900 tấn, chiếm gần 40%. Các nước đứng sau gồm Thái Lan (47.900 tấn), Myanmar (43.600 tấn), Ấn Độ (32.300 tấn), Campuchia (12.700 tấn), và Pakistan (2.300 tấn).
Cơ cấu nhập khẩu của Trung Quốc cho thấy ưu tiên lớn cho gạo đánh bóng (76%), tiếp theo là gạo tấm (24%) và gạo lứt (0,01%)./.