Chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân chính thức có hiệu lực
Vietjet - mô hình hàng không tư nhân tại Việt Nam không ngừng lớn mạnh, biến giấc mơ bay của hàng triệu người dân thành hiện thực. Ảnh tư liệu

Kịp thời đưa Nghị quyết 68 vào cuộc sống

Như vậy, chỉ trong chưa đầy 2 tuần sau khi Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết để thể chế hóa của nội dung, chủ trương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68. Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các cơ quan của Chính phủ, của Quốc hội những ngày qua đã làm việc hết sức khẩn trương, không kể đêm ngày để xây dựng, thẩm tra, tiếp thu, hoàn thiện Nghị quyết, với tinh thần trách nhiệm rất cao.

Đào tạo 10.000 giám đốc đến năm 2030

Nghị quyết quy định bố trí ngân sách nhà nước để triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030. Đồng thời, cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay, Chính phủ đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến tại Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp ngày 14/5, ngày 16/5 cũng như 113 ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở tổ và hội trường.

Tại Nghị quyết này, các chính sách được chia thành 5 nhóm nội dung chính. Trong đó, về cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị quyết quy định nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh.

Để hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã quy định nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời phân cấp, phân quyền cho địa phương để chủ động cân đối nguồn lực, tự quyết định định mức, tiêu chí hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Về chính sách hỗ trợ, thuế, lệ phí, dự thảo quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn… vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Cùng với đó, miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo…

Nhiều chính sách khác cũng được quy định để hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cụ thể như, doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng bên ngoài nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo cơ chế khoán sản phẩm.

Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Chính sách hỗ trợ toàn diện cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, Nghị quyết quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn thuế thu nhập trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 1/1/2026. Nhà nước bố trí kinh phí để cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh theo quy định của Chính phủ.

Trong các dự án công, gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp sử dụng ngân sách nhà nước có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm chủ, doanh nghiệp ở miền núi, biên giới, hải đảo.

Đối với các doanh nghiệp lớn, Nhà nước mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án trọng điểm. Đồng thời, xây dựng chương trình và bố trí ngân sách để triển khai hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu thông qua hai chương trình.

Một là chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Hai là chương trình vươn ra thị trường quốc tế (Go Global) để hỗ trợ về thị trường, vốn, công nghệ, thương hiệu, kênh phân phối, logistics, bảo hiểm, tư vấn, pháp lý, giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, mua bán sáp nhập, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua.

Loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết chậm nhất vào ngày 31/12/2025

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP ban hành Kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, cạnh tranh, phá sản doanh nghiệp.

Chậm nhất ngày 31/12/2025, phải hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.

Ứng dụng triệt để chuyển đổi số nhằm cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật và điều kiện kinh doanh trong các quy định về gia nhập, rút lui khỏi thị trường, đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn... Triển khai cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Chính phủ cũng yêu cầu khẩn trương rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh để sửa đổi hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi nhằm chuyển căn bản các điều kiện kinh doanh dưới hình thức giấy phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế, hoàn thành trong năm 2025 và 2026.

Các bộ, ngành, địa phương rà soát, phân loại đối tượng kiểm tra; chấm dứt tình trạng kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài về cùng một nội dung, lĩnh vực; số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bao gồm cả kiểm tra liên ngành không được quá một lần một năm, trừ trường hợp cần kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Đối với cùng một nội dung quản lý nhà nước, trường hợp đã tiến hành hoạt động thanh tra thì không thực hiện hoạt động kiểm tra hoặc đã tiến hành hoạt động kiểm tra thì không thực hiện hoạt động thanh tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong cùng một năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Công bố công khai kế hoạch kiểm tra trên cổng thông tin để cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh biết, phối hợp thực hiện.