Đề ra quyết tâm cao, giải ngân 100% vốn đầu tư công
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ hoạ: Phương Anh

Giải ngân cao hơn 18 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ

Để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 nghị quyết, 5 công điện, văn bản. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên, liên tục có nhiều chuyến công tác, làm việc với các địa phương để giải quyết vướng mắc, kiến nghị và kiểm tra thực tế địa bàn, đôn đốc triển khai các dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Biểu dương 10 bộ, ngành và 36 địa phương giải ngân cao

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là 10 bộ, ngành và 36 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước, như: Bộ Quốc phòng (giao trên 23.000 tỷ đồng, giải ngân đạt 16,3%), Bộ Công an (giao 4.100 tỷ đồng, giải ngân đạt 27,3%), Bộ Nông nghiệp và Môi trường (giao 22.300 tỷ đồng, giải ngân đạt 16,6%), Thanh Hóa (giao 13.300 tỷ đồng, giải ngân đạt 39,2%); Hà Nam (giao 10.600 tỷ đồng, giải ngân đạt 38,4%)…

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập các tổ công tác do các phó thủ tướng Chính phủ và thành viên Chính phủ làm tổ trưởng, làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để có các chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, ngành, địa phương đã thành lập Tổ công tác để trực tiếp theo dõi các dự án lớn, trọng điểm cũng như thường xuyên rà soát, kiểm tra, giám sát, đôn đốc quá trình triển khai dự án.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách theo hướng tiếp tục đẩy mạnh tăng cường phân cấp, phân quyền, tháo gỡ các điểm nghẽn; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của các luật liên quan đến hoạt động đầu tư.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, ước đến hết tháng 4/2025, cả nước giải ngân 128.500 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, (cùng kỳ năm 2024 giải ngân 110.500 tỷ đồng, đạt 16,64%). Như vậy, về giá trị tuyệt đối, năm 2025 giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2024 khoảng 18.000 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân so với số vốn Thủ tướng Chính phủ giao thì thấp hơn.

Đặc biệt, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, so với kết quả giải ngân 3 tháng đầu năm, đến hết tháng 4, tiến độ giải ngân đã bắt đầu có sự tăng tốc, bắt kịp tiến độ so với cùng kỳ năm 2024.

Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, mặc dù tỷ lệ giải ngân đang có sự tăng tốc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn “cản bước”, khiến cho tỷ lệ giải ngân chưa có sự bứt phá mạnh mẽ.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận diện các khó khăn, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công và đã có các chỉ đạo rất sát sao, kịp thời. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, như: công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; thiếu nguyên vật liệu (đất đắp nền, cát, đá…); vướng mắc về quy hoạch...

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng là do khâu tổ chức thực hiện. Cùng mặt bằng pháp lý có bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt, nhưng vẫn có những bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt. Hơn nữa, trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.

Để triển khai đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đang tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo cụ thể những vấn đề vướng mắc, khó khăn gắn với từng dự án, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện.

Tại Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 được tổ chức vào sáng ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh lại quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch giao để thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là tại những vùng khó khăn. Đồng thời, tạo không gian phát triển, động lực phát triển mới; giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; góp phần khơi thông các nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong phát triển.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải phóng mặt bằng; những dự án khó, phức tạp thì các đồng chí bí thư, cấp ủy phải trực tiếp chỉ đạo; vận dụng sáng tạo các quy định, trong đó lưu ý quan tâm những người dân khó khăn về chỗ ở, đất ở…

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng hướng dẫn, UBND các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường. Các bộ có liên quan khẩn trương hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đơn giá, hoàn thành trước 15/6.

Các bộ, cơ quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật, hướng dẫn về phân cấp, phân quyền trong việc quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công tại địa phương khi thay đổi địa giới hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, không để gián đoạn công việc…

Đặc biệt, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ các ý kiến, sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kết luận, bảo đảm "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền", làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc.

Tăng phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò người đứng đầu

Phân tích nguyên nhân tồn tại và hạn chế trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ cho rằng kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm; công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án còn sơ sài; những nơi bí thư cấp ủy chưa sâu sát, cả hệ thống chính trị chưa vào cuộc thì giải phóng mặt bằng chậm; năng lực của một số ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, đơn vị tư vấn, nhà thầu còn yếu; tồn tại tình trạng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao; sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương còn thiếu chặt chẽ.

Thủ tướng chỉ rõ, cần quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò người đứng đầu phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, các địa phương cần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiểm tra, đôn đốc và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn theo nguyên tắc: "lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên" và theo tinh thần "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả".