PV: Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên áp dụng thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT), để ứng phó với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu sắp có hiệu lực vào năm 2024 tới đây, bà có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Khi không còn ưu đãi, cần có biện pháp hỗ trợ để duy trì cạnh tranh
Bà Hương Vũ

Bà Hương Vũ: Với vị trí là một nước tiếp nhận đầu tư, bài toán về chính sách đặt ra cho Việt Nam tại thời điểm này cần đạt được hai mục tiêu quan trọng. Thứ nhất, Việt Nam cần chủ động giành quyền đánh thuế. Thứ hai, Việt Nam cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi để đảm bảo cạnh tranh hiệu quả trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Vì vậy, Việt Nam nên áp dụng QDMTT. Bởi các Quy tắc GloBE bao gồm một bộ các quy tắc khác nhau, áp dụng đối với các công ty có doanh thu hợp nhất trên toàn cầu hàng năm đạt mức trên 750 triệu EUR để đảm bảo là mọi khoản lợi nhuận của các công ty, bất kể thu được ở quốc gia nào đều phải chịu một khoản thuế thu nhập doanh nghiệp ít nhất đạt 15%. Các quy tắc gộp thu nhập (Income Inclusion Rule - IIR) và quy tắc thanh toán thuế thiếu (Undertaxed payment rule - UTPR) chủ yếu giành quyền đánh thuế cho các quốc gia đi đầu tư, trong khi việc áp dụng QDMTT bổ sung là công cụ ưu tiên bảo vệ nguồn thu và quyền đánh thuế cho quốc gia nhận đầu tư.

Các quốc gia hoàn toàn có quyền tự chủ khi đưa ra các quy định và áp dụng QDMTT bổ sung theo những cách khác nhau. Về cơ bản có hai cách tiếp cận chính: Một là áp dụng “QDMTT bổ sung đạt chuẩn/Qualified Domestic Minimum Top-up Tax” (QDMTT) như được định nghĩa bởi quy tắc mẫu GloBE, hoặc áp dụng QDMTT bổ sung chung (15%) nhưng không thỏa mãn tiêu chuẩn khái niệm QDMTT.

PV: Việc áp dụng thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn có những ưu điểm gì, thưa bà?

Bà Hương Vũ: So sánh giữa hai cách tiếp cận này, QDMTT có nhiều ưu điểm hơn so với việc áp dụng thuế tối thiểu nội địa không đạt chuẩn.

Nếu Việt Nam áp dụng QDMTT, thu nhập của công ty con phát sinh tại Việt Nam sẽ không phải chịu thêm bất kì khoản thuế bổ sung nào theo các quy tắc mẫu GloBE tại bất kỳ quốc gia nào khác. Trong trường hợp áp dụng thuế bổ sung nội địa khác không đạt chuẩn, sẽ có rủi ro là mặc dù số thuế đã nộp ở Việt Nam có thể được ghi nhận vào thuế áp dụng điều chỉnh (Adjusted Covered Tax) nhưng vẫn phát sinh thêm số thuế bổ sung (Top-Up Tax) khi áp dụng theo công thức tính của nguyên tắc GloBE.

Khi không còn ưu đãi, cần có biện pháp hỗ trợ để duy trì cạnh tranh

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương

QDMTT cho phép Việt Nam áp dụng một loại thuế bổ sung vừa đủ để ngăn chặn bất kỳ khoản thuế bổ sung nào phát sinh ở nước thứ ba, mà không vượt quá giới hạn đó.

Như vậy, QDMTT có thể được thiết kế để chỉ tập trung vào các đối tượng thực sự bị ảnh hưởng bởi Trụ cột 2, trong khi các đối tượng khác vẫn có thể tiếp tục với các chính sách thuế hiện hành. Với chính sách thuế nâng thuế suất chung lên 15% và không đạt chuẩn có thể sẽ khó thiết kế để phân biệt các nhóm đối tượng áp dụng.

Ngoài ra, việc áp dụng QDMTT có thể đem lại những ý nghĩa quan trọng khác như: Tạo sự thuận lợi và tiết kiệm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp như một cách thể hiện sự đồng hành cùng doanh nghiệp; thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế và môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế; tạo sự ổn định trong áp dụng chính sách khi áp dụng QDMTT đạt chuẩn thay vì áp dụng thuế tối thiểu nội địa không đạt chuẩn vì Chính phủ có thể phải tiếp tục sửa đổi và cập nhật trong quá trình thực thi khi các chính sách này đem lại bất lợi cho doanh nghiệp.

PV: Khi các ưu đãi thuế không còn phát huy tác dụng, theo bà chúng ta cần có chính sách hỗ trợ ra sao cho nhà đầu tư để tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư?

Tác động kép đối với các doanh nghiệp

“Trong bối cảnh suy thoái kinh tế chung trên toàn cầu, cùng lúc các quy tắc mới về thuế tối thiểu được áp dụng, đây có thể xem như là tác động kép đối với các doanh nghiệp. Đối tượng ảnh hưởng của các quy tắc này lại là các doanh nghiệp lớn mà Việt Nam đang muốn thu hút. Vì vậy, tại thời điểm này sự đồng hành của Chính phủ với nhà đầu tư là yếu tố đặc biệt quan trọng hơn bao giờ hết để giữ chân và thu hút đại bàng”. - Bà Hương Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn EY Việt Nam.

Bà Hương Vũ: Khi các công cụ ưu đãi về thuế không còn phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư, Việt Nam cần có biện pháp hỗ trợ để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Các biện pháp hỗ trợ cần đạt được hai mục tiêu quan trọng. Thứ nhất là vì quyền lợi của nhà đầu tư, biện pháp hỗ trợ phải đem lại lợi ích thực sự cho nhà đầu tư; thứ hai, các biện pháp hỗ trợ phải đảm bảo không vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như tuân thủ các quy tắc của Trụ cột 2.

Một trong các nguyên tắc quan trọng của Trụ cột 2 đưa ra là các quốc gia khi thực hiện các quy tắc của Trụ cột 2 sẽ không được đưa ra các khoản lợi ích cho doanh nghiệp liên quan trực tiếp, hoặc gián tiếp đến việc thực hiện các quy tắc này. Hiểu đơn giản là việc hoàn lại cho doanh nghiệp các khoản lợi ích tương ứng với số thuế thu được từ việc thực thi các quy tắc này.

Vì vậy, về mặt kỹ thuật để giảm bớt rủi ro vi phạm các quy tắc của Trụ cột 2, việc đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Cụ thể, các khoản hỗ trợ phải đảm bảo sẽ không chỉ áp dụng cho những đối tượng bị ảnh hưởng của Trụ cột 2 mà phải mở rộng ra cho các đối tượng khác. Các phương án hỗ trợ cần được đề xuất phù hợp với quan điểm chỉ đạo về chính sách thu hút đầu tư trong từng thời kỳ. Các khoản hỗ trợ nên được xem xét trên nhu cầu thực tế và đề xuất cụ thể của từng nhà đầu tư để đám bảo hỗ trợ đúng, trúng và hiệu quả.

Ví dụ có một số nhóm hỗ trợ mà Chính phủ có thể xem xét đến như: Hỗ trợ trực tiếp vào các chi phí đầu tư, chi phí nghiên cứu và phát triển cũng như hỗ trợ sản xuất những sản phẩm được ưu tiên thu hút đầu tư nhằm khuyến khích hoạt động đầu tư vào tài sản cố định, hoạt động nghiên cứu phát triển; hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, các hoạt động giảm phát thải nhằm khuyến khích cho các hoạt động bảo vệ môi trường; trong thời điểm kinh tế suy thoái có thể xem xét việc hỗ trợ các chi phí liên quan đến phúc lợi cho nhân viên như chi phí xây dựng ký túc xá cho công nhân, nhà trẻ, trạm y tế phục vụ cho công nhân tại các khu công nghiệp; hỗ trợ các khoản chi phí để giảm giá thành sản xuất như hỗ trợ tiền điện, tiền xe đưa đón công nhân.

PV: Xin cảm ơn bà!