Nhiều giải pháp cụ thể

Với mong muốn đem lại nhiều thuận lợi hơn nữa trong các hoạt động nghiệp vụ, giúp giảm áp lực công việc cho công chức kho bạc cũng như để tạo thuận lợi cho các đơn vị giao dịch, trong giai đoạn 2021- 2030, Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ tập trung cải cách mạnh mẽ các hoạt động nghiệp vụ.

Cụ thể, về tập trung nguồn thu cho NSNN, KBNN hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và thực hiện liên thông dữ liệu số về các khoản thu NSNN giữa KBNN và cơ quan thuế, hải quan, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan trên cơ sở thống nhất cấu trúc thông tin trao đổi theo mã định danh đối với từng khoản thu. Xây dựng cơ sở dữ liệu cho toàn bộ các khoản thu NSNN; triển khai các dịch vụ số về thu NSNN; triển khai các dịch vụ số về thu NSNN, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc nộp, theo dõi thông tin nộp NSNN trực tuyến, mọi lúc, mọi nơi và giảm thiểu chi phí tổ chức thu… Mở rộng sự tham gia của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đa dạng hóa các phương thức thanh toán điện tử trong thu NSNN.

Nguồn: Nghị quyết số 2739/QĐ-KBNN Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Nghị quyết số 2739/QĐ-KBNN Đồ họa: Hồng Vân

Về kiểm soát chi NSNN, KBNN cung cấp đầy đủ thông tin cam kết chi NSNN phục vụ cho việc lập, phân bổ và thực hiện kế hoạch ngân sách trung hạn, hàng năm theo thông lệ quốc tế. Thống nhất đầu mối, quy trình và số hóa công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua kho bạc. Đổi mới phương thức kiểm soát chi theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với việc phân cấp, giao trách nhiệm giải trình cho đơn vị sử dụng ngân sách. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các phương thức thanh toán điện tử trong chi trả NSNN cho các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là các phương thức áp dụng đối với các đối tượng thụ hưởng ở vùng sâu, vùng xa hoặc không có tài khoản ngân hàng.

Về huy động vốn cho NSNN, KBNN tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu Chính phủ đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, điều hành lãi suất phù hợp với chính sách của Chính phủ, gắn với nguyên tắc thị trường. Củng cố cơ sở nhà đầu tư theo hướng tiếp tục cải thiện tỷ trọng đầu tư trái phiếu Chính phủ của các nhà đầu tư dài hạn.

Trong công tác quản lý ngân quỹ nhà nước, hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung của KBNN đảm bảo nguyên tắc tại mỗi hệ thống ngân hàng, KBNN chỉ có duy nhất 1 tài khoản và cuối ngày toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước được tập trung về tài khoản của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… Giảm dần số dư ngân quỹ nhà nước nhàn rỗi, gắn kết chặt chẽ giữa quản lý ngân quỹ nhà nước với quản lý ngân sách và quản lý nợ nhằm giảm chi phí và rủi ro nợ vay.

Về tổng kế toán nhà nước và báo cáo ngân sách, báo cáo tài chính nhà nước, KBNN thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu kế toán tổng hợp cho toàn bộ khu vực nhà nước trên cơ sở liên thông và thu thập dữ liệu kế toán tại tất cả các đơn vị kế toán nhà nước, cho phép kết xuất thông tin, báo cáo đa chiều theo từng cấp độ tổng hợp thông tin về NSNN và tài chính nhà nước.

Chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0

Trở thành Kho bạc điện tử và tiến tới Kho bạc số, kiến trúc công nghệ thông tin của KBNN giai đoạn 2021 - 2030 phải phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử. Theo đó, KBNN đã chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đặt ra mục tiêu số hóa các nghiệp vụ, cung cấp dữ liệu mở về tài chính - NSNN thông qua việc nâng cấp, phát triển Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (Tabmis) và các hệ thống liên quan thành Hệ thống thông tin Ngân sách và Kế toán nhà nước số dựa trên công nghệ hiện đại.

Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò trong hệ thống quản lý tài chính công

Trong giai đoạn 2021 - 2030, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò trong hệ thống quản lý tài chính công. Theo đó, giải pháp đặt ra cho giai đoạn này của Kho bạc Nhà nước là tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo có đủ nguồn kinh phí để thực hiện cải cách, hiện đại hóa Kho bạc Nhà nước. Phát triển và đa dạng hóa các hình thức hợp tác quốc tế, tiếp cận các công nghệ quản lý hiện đại và tranh thủ các nguồn lực quốc tế; hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với kho bạc các nước. Tăng cường năng lực dự báo, phân tích và khả năng phản ứng, đảm bảo hoạt động quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ thông suốt của hệ thống Kho bạc Nhà nước và đạt được mục tiêu cải cách, hiện đại hóa đề ra.

Đồng thời, KBNN ứng dụng hiệu quả các công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ Kho bạc số để tối ưu hóa các quy trình quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN. Tiếp tục hoàn thiện các hệ thống và giải pháp an toàn bảo mật, dự phòng rủi ro, ổn định, thông suốt trong mọi tình huống.

Với việc kiểm soát chi NSNN theo hướng kiểm soát rủi ro, trong giai đoạn 2021-2030, KBNN sẽ đặc biệt hiện đại hóa công tác thanh tra- kiểm tra và triển khai kiểm toán nội bộ. Theo đó, KBNN đẩy mạnh hoạt động kiểm tra và thanh tra chuyên ngành thông qua môi trường số và hệ thống thông tin. Kiện toàn hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phát triển chức năng kiểm soát rủi ro; xây dựng quy chế và thực hiện kiểm toán nội bộ KBNN. Tư vấn, hỗ trợ việc phát triển chức năng kiểm toán nội bộ về tài chính- ngân sách tại các bộ, ngành, đơn vị sử dụng ngân sách và địa phương.

Liên thông dữ liệu đã giảm áp lực cho công chức kho bạc

Với định hướng đến năm 2030 trở thành Kho bạc số, từ năm 2021, Kho bạc Nhà nước bắt đầu triển khai liên thông dữ liệu một số hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trên dịch vụ công trực tuyến của kho bạc.

Theo đó, tất cả các khâu nghiệp vụ trên Tabmis, hệ thống thanh toán với ngân hàng đều được tự động. Đồng thời, các dữ liệu được chuẩn hóa và liên thông xuyên suốt từ phân hệ dành cho đơn vị sử dụng ngân sách sang phân hệ dành cho người dùng của hệ thống kho bạc và liên thông dữ liệu qua Tabmis, hệ thống thanh toán với ngân hàng. Ở mỗi khâu liên thông, nếu có bất kỳ sai sót gì sẽ được tự động quay trở lại bước trước đó để đảm bảo tính toàn vẹn về dữ liệu và toàn vẹn về quy trình thực hiện.

Theo đánh giá từ Kho bạc Nhà nước, việc liên thông dữ liệu này đã giúp giảm được một khối lượng lớn công việc cho các công chức kho bạc khi không phải thao tác trên 2 hệ thống Tabmis và thanh toán với hệ thống ngân hàng. Đồng thời, việc trình chứng từ và hồ sơ chỉ cần trình một lần thay vì phải qua nhiều vòng như trước đây.

Hơn nữa, do chứng từ được chuẩn hóa liên thông dữ liệu trên cả 3 ứng dụng nên sẽ ngày càng chuẩn hóa được dữ liệu đầu vào từ đơn vị sử dụng ngân sách; chuẩn hóa dữ liệu từ nguồn nên đơn vị Kho bạc Nhà nước - nơi giao dịch chỉ phải hoàn thiện các thông tin mà phía Kho bạc Nhà nước phải ghi trên chứng từ, giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ cho đội ngũ công chức kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước.