Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Phương Nam - Tổng Giám đốc Công ty tư vấn và dịch vụ đổi mới khí hậu Klinova tại Hội thảo “Lộ trình chuyển đổi xanh và những điều doanh nghiệp cần biết” do Ban IV tổ chức chiều 14/4, tại Hà Nội.

Nhận thức của các doanh nghiệp ngày càng tăng lên

TS. Nguyễn Phương Nam cho biết, Việt Nam tham gia thoả thuận Paris về khí hậu tại COP21 năm 2015. Tại COP26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ tuyên bố hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam được cam kết nhận hỗ trợ 15,5 tỷ USD trong 2-3 năm tới để chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) sau COP27 năm 2022.

Khu vực tư nhân đóng góp quan trọng cho tài chính xanh
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam đang dần hội nhập quốc tế sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và phải tuân thủ các tiêu chí toàn cầu về môi trường - xã hội và quản trị (ESG).

Tái cấu trúc phát triển mô hình kinh doanh trong dài hạn

Theo TS. Nguyễn Phương Nam, doanh nghiệp Việt Nam cần học hỏi, cập nhật xu thế về mô hình kinh doanh tinh gọn, hiệu quả, có trọng tâm, nâng cao chất lượng quản trị, điều hành doanh nghiệp; chuyển đổi mô hình kinh doanh, sản xuất theo hướng xanh hơn, bền vững, ít thâm dụng lao động, tiêu thụ nhiều tài nguyên, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thặng dư; hướng tới chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về xanh và bền vững cho sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Phương Nam cho rằng, tài chính công không đủ cho các mục tiêu về thích ứng và giảm nhẹ. Theo lý thuyết và thực tiễn ở các nước đang phát triển cho thấy, khu vực tư nhân chiếm khoảng 60% đầu tư toàn cầu liên quan đến vấn đề khí hậu. Do đó, việc đầu tư có trách nhiệm để phát triển bền vững của khối tư nhân cần đẩy mạnh, thông qua các hình thức cho vay xanh, trái phiếu xanh và thị trường carbon.

“Theo khảo sát của Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), thực hành tiêu chuẩn ESG ở Việt Nam đã ghi nhận 80% doanh nghiệp cam kết có kế hoạch triển khai sớm. Chúng ta đang ở thời kỳ dễ dàng bắt gặp những doanh nghiệp sẵn sàng từ chối hợp tác khi không có các chứng chỉ ESG. Điều đó cho thấy sự nhận thức của các doanh nghiệp đã ngày càng tăng lên” - TS. Nguyễn Phương Nam cho hay.

Còn theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV, sự chuyển đổi nằm ở tư duy của người lãnh đạo, nếu như chủ lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội không hiểu được sự cấp thiết chuyển đổi thì việc thay đổi sẽ còn nhiều khó khăn. Khi các doanh nghiệp không tự mình cải thiện được, có thể kết hợp với các cơ chế hỗ trợ quốc tế và trong nước, đặc biệt là cơ chế mua bán tín chỉ carbon.

Thị trường carbon bắt buộc chiếm đến 899 tỷ USD

Chia sẻ về tình hình tín chỉ carbon trên thị trường thế giới, TS. Tô Xuân Phúc - Giám đốc chương trình Quản lý tài nguyên và chính sách thương mại (Tổ chức Forest Trend) cho biết, các công cụ xây dựng thị trường carbon tự nguyện hầu như mới chỉ tồn tại ở các nước phát triển và còn vắng bóng ở các thị trường đang phát triển.

Trong năm 2022, giá tín chỉ carbon thực tế có nhiều mức khác nhau phụ thuộc các quốc gia, loại hình khác nhau. Hiện Thụy Sĩ có giá tín chỉ carbon cao nhất, thu thập dựa trên công cụ thuế.

Khu vực tư nhân đóng góp quan trọng cho tài chính xanh
Nhiều quốc gia đang đẩy mạnh cắt giảm khí CO2. Ảnh: TL.

“Mức giá tín chỉ carbon thế giới đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, mức tăng này có đủ để đạt đến mức đưa quy mô phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 không lại là câu hỏi đáng quan tâm của các quốc gia”- TS. Tô Xuân Phúc đặt vấn đề.

Theo TS. Tô Xuân Phúc, hiện thị trường carbon bắt buộc chiếm đến 899 tỷ USD, trong khi thị trường carbon tự nguyện chỉ chiếm 2 tỷ USD, nhưng thị trường carbon tự nguyện đang phát triển nhanh về quy mô những năm gần đây. Từ năm 2010 - 2019, quy mô thị trường carbon tự nguyện tăng từ 25 - 50%. Riêng năm 2022, tăng 22 - 26%, mức giá tín chỉ carbon tăng 20% so với năm 2021.

Ở Việt Nam, từ năm 2025 - 2027 là giai đoạn thành lập, tổ chức và vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon; từ năm 2028 - 2030 là giai đoạn tổ chức vận hành sàn giao dịch.

TS. Tô Xuân Phúc cho biết, Chính phủ quy định các lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính gồm: Năng lượng, giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông - lâm nghiệp, chất thải. Điều đó cho thấy, sự cần thiết của việc đầu tư tín chỉ carbon và xây dựng thị trường carbon của các doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi xanh hiện nay.