Cơ quan thuế cần phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại để quản lý các nguồn tiền

Cán bộ Thuế hướng dẫn thủ tục cho người nộp thuế. Ảnh: TL

Luật sư (LS) Choi Ji Ung, Giám đốc Công ty TNHH Luật ASEAN Law Firm cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN.

PV: Ông có bình luận gì về trách nhiệm của ngân hàng trong quản lý thuế được đề cập tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP?

LS. Choi Ji Ung: Theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cơ quan quản lý thuế không yêu cầu ngân hàng định kỳ cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch của khách hàng, mà chỉ thực hiện khi có đề nghị của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

Thay vào đó, định kỳ hàng tháng, ngân hàng sẽ cung cấp thông tin định danh tài khoản của từng người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế mà không gồm số dư hay nội dung giao dịch. Những thông tin định danh tài khoản được cung cấp cho cơ quan quản lý thuế bao gồm tên, số hiệu tài khoản theo mã số thuế, ngày mở và ngày đóng tài khoản.

LS. Choi Ji Ung

LS. Choi Ji Ung

Đây được xem là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn trốn thuế của các cá nhân có hoạt động trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới. Việc cung cấp nội dung chi tiết giao dịch của một số chủ tài khoản thực tế đã được quy đinh từ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11.

Các quy định trên nhằm bảo đảm việc thu thuế công bằng, hiệu quả đối với tất cả cá nhân, tổ chức thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, ngăn ngừa hành vi né, trốn thuế. Do đó, tôi cho rằng trong thời gian tới, chúng ta cần có các quy định hướng dẫn thi hành cụ thể hơn về việc phối hợp giữa cơ quan quản lý thuế và ngân hàng để việc quản lý thuế được ngày càng chặt chẽ.

PV: Ông có cho rằng, việc kiểm soát qua hệ thống ngân hàng là một phương thức bắt buộc và hợp lý nhất để quản lý hoặc thu thuế hoạt động TMĐT?

LS. Choi Ji Ung: Để có thể quản lý thuế TMĐT một cách hiệu quả, bước đầu tiên cơ quan thuế cần phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại (NHTM) để quản lý các nguồn tiền qua tài khoản. Qua đó, có thể xác minh được các đối tượng đang thực hiện hoạt động kinh doanh TMĐT và thực hiện quản lý đối với thu nhập phát sinh từ hoạt động này. Việc kiểm soát các tài khoản tại các NHTM cũng sẽ giúp cơ quan thuế kiểm soát được các luồng tiền ra, vào các tài khoản này để xác định các luồng tiền đó có phải là để chi trả cho việc mua, bán hàng hóa hay không.

Tuy nhiên, hiện nay khi mua hàng qua các mạng xã hội (điển hình là Facebook), hay các website TMĐT (như Lazada, Shopee, Tiki,…), phương thức thanh toán được những người mua hàng sử dụng nhiều nhất là “thanh toán khi nhận hàng (COD)”, tức là người mua hàng sẽ thanh toán tiền mặt cho bên vận chuyển khi nhận hàng mà không cần thực hiện bất kỳ thao tác thanh toán nào qua tài khoản. Do đó, để nâng cao công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, cơ quan thuế cần phải phối hợp với các công ty trung gian vận chuyển và cả Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành xác định nhân thân của người nộp thuế. Cùng với đó, bên cạnh NHTM, dữ liệu từ các website TMĐT, công ty trung gian vận chuyển, ví điện tử cũng cần được thu thập để xác định các hoạt động mua bán, các dòng tiền, thực hiện tốt hơn công tác quản lý thuế.

PV: Theo ông, để việc phối hợp giữa ngân hàng và cơ quan thuế trong việc quản lý thuế TMĐT thực sự có hiệu quả thì cần chú ý điều gì?

LS. Choi Ji Ung: Việc phối hợp giữa hai cơ quan này sẽ phải thực hiện theo lộ trình và có thông tư hướng dẫn cụ thể.

Hiện nay cơ quan quản lý thuế đang quản lý người nộp thuế theo mã số thuế, trong khi nhiều cá nhân kinh doanh tự do trên các nền tảng TMĐT chưa có mã số thuế. Do đó, khi cơ quan thuế yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp thì sẽ có một lượng lớn các cá nhân kinh doanh vẫn chưa được kiểm soát. Vì vậy việc đẩy mạnh khuyến khích và quản lý cá nhân kinh doanh tự do đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân là cần thiết.

Hiện nay cũng chưa có quy định khi mở tài khoản, khách hàng phải cung cấp thông tin về mã số thuế cho ngân hàng. Dựa vào dữ liệu về tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản, chứng minh nhân dân/ căn cước công dân (CMND/CCCD) của khách hàng mà ngân hàng cung cấp, cơ quan thuế sẽ đối chiếu ra mã số thuế tương ứng. Tuy nhiên những năm gần đây nhiều địa phương đang đẩy mạnh việc chuyển đổi CMND sang thẻ CCCD (theo Luật CCCD số 59/2014/QH13 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành). Nhiều cá nhân đã thực hiện chuyển đổi sang sử dụng thẻ CCCD mới, tuy nhiên lại chưa thực hiện đăng ký thay đổi thông tin với ngân hàng hoặc cơ quan quản lý thuế. Do đó, đây sẽ là một sự chênh lệch dữ liệu khi đối chiếu giữa hai cơ quan này.

Để Nghị định 126/2020/NĐ-CP có thể áp dụng thực tế, trước tiên Ngân hàng Nhà nước cần có quy định khi mở tài khoản, khách hàng phải cung cấp mã số thuế cho ngân hàng. Với những tài khoản đã mở, các ngân hàng sẽ gửi thông báo đề nghị khách hàng bổ sung mã số thuế. Sau đó, để có sự đồng bộ thông tin, ngoài hai cơ quan này sẽ cần sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn khác (ví dụ cơ quan Công an) để có thể tự động cập nhật thông tin về các lĩnh vực mà hai cơ quan này không quản lý.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hàn Quốc cho phép áp thuế với doanh nghiệp nước ngoài

Từ năm 2018, Hàn Quốc đã thông qua Luật thuế Giá trị gia tăng sửa đổi, cho phép cơ quan thuế có cơ sở pháp lý để áp thuế giá trị gia tăng đối với các công ty nước ngoài có doanh thu tại Hàn Quốc thông qua dịch vụ quảng cáo. Trước khi có luật sửa đổi này, các công ty nước ngoài thường viện cớ rằng, Chính phủ Hàn Quốc không có cơ sở pháp lý để áp thuế giá trị gia tăng, vì các công ty này duy trì “máy chủ” và cơ sở hoạt động chính ở quốc gia khác. Là một chuyên gia pháp lý nước ngoài, tôi cho rằng cách thức quan trọng nhất để thực hiện quản lý thuế giá trị gia tăng đối với các công ty nước ngoài là cơ quan quản lý thuế phải có khả năng thu thập dữ liệu thông tin về doanh thu, lợi nhuận của các công ty nước ngoài này tại Việt Nam. Sẽ rất khó để thực thi các yêu cầu về thuế vì các công ty nước ngoài này có thể trốn tránh nghĩa vụ một cách đơn giản, trừ khi cơ quan quản lý thuế thu thập được thông tin rõ ràng và chính xác về các công ty nước ngoài này. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều trong việc thúc đẩy các dịch vụ điện tử và quản trị tổng thể của mình trong vài năm qua. Do đó, việc thiết lập một hệ thống toàn diện là điều có thể thực hiện được - LS. Choi Ji Ung.

Luyện Vũ (thực hiện)