Nâng mức giảm trừ gia cảnh kích thích tiêu dùng xã hội
Thuế thu nhập cá nhân được xây dựng trên các nguyên tắc “lợi ích”, “công bằng” và “khả năng nộp thuế”. Ảnh minh họa

Đề xuất nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh ngoài tham chiếu chỉ số CPI, còn tham chiếu thêm các yếu tố GDP bình quân đầu người, thu nhập bình quân lao động.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất các phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

“Thị trường tiêu dùng trong nước là rất tiềm năng, nhưng đang có dấu hiệu chững lại. Do đó, cần quan tâm hơn đến tiêu dùng trong nước, để tăng tổng cầu. Trong đó, việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết, để thúc đẩy tiêu dùng”. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh)

Phương án 1: Trong giai đoạn từ năm 2020 đến hết năm 2025, chỉ số CPI lũy kế dự kiến tăng 21,24% thì có thể xem xét để điều chỉnh tương ứng với mức tăng của chỉ số CPI. Cụ thể: Mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 5,3 triệu đồng/tháng.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và cho mỗi người phụ thuộc theo biến động của chỉ số CPI theo đúng quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, bám sát phương diện cơ sở áp dụng các khoản giảm trừ theo nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và mức độ trượt giá từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020).

Phương án 2: Căn cứ theo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và GDP bình quân đầu người năm 2025 so với năm 2020 nêu trên, mức giảm trừ gia cảnh có thể điều chỉnh như sau: Mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 15,5 triệu/tháng. Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên khoảng 6,2 triệu đồng/tháng.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng GPD bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người sẽ góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế ở mức cao hơn, người dân được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống xã hội được nâng lên.

Thực hiện phương án này sẽ có tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước ở mức cao hơn. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cao hơn, đồng nghĩa với số thuế phải nộp ít đi, thu nhập khả dụng của người dân sẽ tăng lên, qua đó, góp phần kích thích tăng chi tiêu hộ gia đình, tiêu dùng xã hội và cải thiện đời sống của người dân; gián tiếp làm tăng thu ngân sách nhà nước từ các nguồn thu khác trong trung và dài hạn.

Cụ thể theo tính toán của Bộ Tài chính, việc thực hiện các phương án đề xuất nêu trên đều làm giảm thu ngân sách nhà nước: Theo phương án 1 là 12.000 tỷ đồng; theo phương án 2 là 21.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số giảm thu ngân sách nhà nước có thể được bù đắp một phần từ số tăng thu của các sắc thuế tiêu dùng khác do thu nhập khả dụng của người nộp thuế tăng.

Chuyên gia lý giải về mức giảm trừ gia cảnh

Phân tích thêm về đề xuất điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo mức sống cho người nộp thuế và người phụ thuộc sau đó mới nộp thuế thu nhập cá nhân, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, cần lý giải rõ hơn về mức giảm trừ gia cảnh, về xác định mức thu nhập làm căn cứ giảm trừ của người phụ thuộc, người nộp thuế để có mức điều chỉnh phù hợp và nâng cao tính khả thi hơn.

Theo bà Cúc, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chỉ số giá cả trong từng giai đoạn cụ thể cũng như xu hướng phát triển tương lai, nhằm giảm mức điều tiết thuế cho người nộp thuế; mà đặc biệt là người nộp thuế có mức thu nhập không cao là cần thiết. Tuy nhiên, cần hiểu rõ mức giảm trừ gia cảnh không phải là mức nhằm đảm bảo đời sống thực tế cho người nộp thuế, mà thông thường được tính trên yếu tố thu nhập GDP bình quân đầu người, mức lương tối thiểu, nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống… phù hợp với điều kiện cụ thể trong từng giai đoạn lịch sử và đặc điểm của các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Cũng theo bà Cúc, mức giảm trừ gia cảnh là để xác định mức thu nhập tính thuế cùng với các khoản giảm trừ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, từ thiện, nhân đạo. Sau khi giảm trừ phần thu nhập còn lại mới nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Khoản thu nhập còn lại sau khi nộp thuế thu nhập cá nhân cộng với mức giảm trừ gia cảnh mới là phần chi tiêu của người lao động.

Bà Cúc lấy ví dụ, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, người lao động có thu nhập 25 triệu đồng/tháng, nuôi dưỡng 2 người phụ thuộc thì xác định thuế thu nhập cá nhân như sau: Nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lương là 1,5 triệu đồng; giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và 2 người phụ thuộc là 19,8 triệu đồng.

Theo đó, thu nhập tính thuế sẽ là: 25 triệu đồng - 1,5 triệu đồng - 19,8 triệu đồng = 3,7 triệu đồng. Thuế thu nhập cá nhân phải nộp là: 3,7 triệu đồng x 5% = 0,185 triệu đồng. Thu nhập thực tế chi tiêu của người nộp thuế sẽ là: 19,8 triệu đồng + ( 3,7 triệu đồng - 0,185 triệu đồng) = 23,315 triệu đồng.

Như vậy, 1 người có thu nhập 25 triệu đồng/tháng, thuế thu nhập cá nhân phải nộp từ tiền lương tiền công là 0,185 triệu đồng, chiếm tỷ trọng dưới 1% (0,74%) trên thu nhập chịu thuế.

Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân góp phần giảm bớt nghĩa vụ thuế cho mọi đối tượng đang nộp thuế thu nhập cá nhân, tăng thêm phần thu nhập cá nhân nắm giữ để phục vụ cuộc sống. Ví dụ, với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng như hiện nay, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp..., thì hiện nay cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân./.