Phục hồi mạnh mẽ sau cú sốc đại dịch

Về tổng thể, kinh tế Việt Nam từ đầu năm 2022 đã có sự phục hồi mạnh mẽ nhờ kiểm soát dịch bệnh tốt và mở cửa kinh tế trở lại. Đến nay, các tổ chức quốc tế đã thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam cao hơn so với đầu năm. Ngân hàng Thế giới (WB) nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 6,5% (trong dự báo tháng 2) lên 7,5% (tháng 8). Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 6,5% hồi đầu năm lên 7% trong báo cáo gần đây.

Những con số dự đoán đó mang đến triển vọng lạc quan, nếu đặt trong bối cảnh thời điểm trước đó, khi ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, sẽ càng có ý nghĩa hơn. Trước khi đại dịch diễn ra, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao, liên tục trong nhiều năm nằm trong khoảng 6 - 7%/năm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã có tác động nặng nề đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khiến tốc độ tăng chung của nền kinh tế năm 2020 chỉ đạt 2,9% và năm 2021 là 2,6%.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư  Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồ họa: Văn Chung

Đà phục hồi tăng trưởng chỉ xuất hiện từ cuối quý I năm nay nhờ thành tựu tiêm vắc-xin toàn dân được hoàn thành sớm. Đến quý II/2022, tăng trưởng kinh tế đã quay trở về mức trước đại dịch, với tốc độ tăng trưởng chung lên đến 7,7%, trong đó công nghiệp tăng 9,9%, dịch vụ tăng 8,6%; chỉ có nông nghiệp là có xu hướng giảm trong quý II/2022. Báo cáo kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022 của nước ta tiếp tục đà hồi phục nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước, do thời điểm tháng 8/2021 nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tại các địa phương kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tăng trưởng sẽ càng có ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát. Những tháng đầu năm 2022 cũng hết sức “thử thách” vai trò điều hành của Chính phủ, bởi áp lực lạm phát đến từ nhiều phía, giá nhiên nguyên vật liệu tăng cao ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế và đời sống người dân. Những cuộc họp đột xuất của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã diễn ra trong không khí khẩn trương với sự bàn thảo chi tiết cho từng mặt hàng thiết yếu, nhất là xăng dầu. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương vào cuộc dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và của Bộ Tài chính - cơ quan tham mưu giúp việc cho Ban Chỉ đạo.

Nhờ chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa thận trọng nên lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp. Đặc biệt, tốc độ tăng giá tiêu dùng so với tháng trước đã giảm trong quý II/2022.

Doanh nghiệp phục hồi, tạo đà cho tăng trưởng

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm xu hướng phục hồi tích cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 8 tháng năm 2022 đạt gần 150 nghìn doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều tăng. Những con số kể trên phần nào đó biểu thị niềm tin mạnh mẽ của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vào các chính sách ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế.

Không thực hiện các chính sách hỗ trợ, hay can thiệp đại trà

Về dài hạn, nên điều chỉnh giảm chính sách giảm thuế, tăng chính sách gia hạn thuế. “Các chính sách phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu, không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để bảo đảm tính linh hoạt, nghĩa là có lộ trình cụ thể” - PGS. TS Nguyễn Trúc Lê đề xuất.

Những quyết sách mạnh mẽ giúp thành công trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải nhắc đến việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và các nghị quyết của Chính phủ. Đến nay, theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính các chính sách miễn, giảm thuế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quy mô dự kiến khi xây dựng chương trình là 64 nghìn tỷ đồng, đến nay ước tính số miễn, giảm khoảng 34,970 nghìn tỷ đồng (đạt hơn 54,6%).

Theo PGS. TS Nguyễn Trúc Lê - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã thực sự kích thích nền kinh tế phát triển, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân. Dự kiến, việc triển khai thực hiện chương trình sẽ đóng góp 1,5 - 2% tăng trưởng GDP của năm 2022. Ước tính cả năm nay tăng trưởng đạt 7,5%. Vị chuyên gia này cho rằng, để thúc đẩy các gói hỗ trợ, các cơ quan quản lý cần tiếp tục lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp; có hệ thống giám sát, đánh giá kịp thời, có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, cần rà soát các tiêu chí, chỉnh sửa cho phù hợp; bổ sung tiêu chí mới khi nền kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức. Việc hỗ trợ cần có mục tiêu, như ưu tiên với các ngành trong lĩnh vực tạo bệ đỡ cho nền kinh tế như logistics, công nghiệp hỗ trợ…

Về dài hạn, nên điều chỉnh giảm chính sách giảm thuế, tăng chính sách gia hạn thuế. “Các chính sách phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu, không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để bảo đảm tính linh hoạt, nghĩa là có lộ trình cụ thể” - PGS. TS Nguyễn Trúc Lê đề xuất.

* Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi:

Chủ động các kịch bản chính sách tài khóa trong mọi tình huống

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Quốc hội, Chính phủ đã sử dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa trong thời gian qua. Riêng các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí đã tác động trực tiếp và rất lớn đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Gói miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí nếu như trong năm 2020 là 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 tăng lên là 145 nghìn tỷ đồng. 8 tháng năm 2022 gói miễn, giảm thuế thực hiện chương trình đã đạt 35 nghìn tỷ đồng. Nhiều chính sách tài khóa như gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn, gói hỗ trợ người lao động thuê nhà 6.600 tỷ đồng đang thực hiện.

Gói hỗ trợ ngoài chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đó là chính sách thuế, phí đối với mặt hàng chiến lược xăng dầu mà người dân hết sức quan tâm. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đưa thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn. 8 tháng, ngân sách đã hỗ trợ thông qua chính sách này ở mức 13 nghìn tỷ đồng. Thời hạn của chính sách này đến 31/12/2022. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu từ 20% xuống 10%, đã góp phần mở rộng nguồn cung trong điều kiện thị trường thế giới khó khăn.

Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng, chuẩn bị phương án tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế, gồm cả thuế bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu để trình Quốc hội kỳ họp tới, có được công cụ linh hoạt để ứng phó tình huống giá xăng dầu thế giới, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Bộ Tài chính luôn linh hoạt, chủ động trong điều hành chính sách tài khóa để có phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống như Chủ tịch Quốc hội nói, đó là “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

* Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương:

Thúc đẩy phát triển các động lực tăng trưởng mới

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Tình hình kinh tế - xã hội nước ta đạt được nhiều kết quả tích cực, khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp. Nền kinh tế có bước phục hồi tích cực ngay từ đầu năm 2022.

Tuy nhiên với độ mở kinh tế lớn, trong khi tính tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn khiêm tốn, tác động của rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta là rất lớn. Kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý IV năm nay và cả năm 2023.

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức nêu trên, càng phải nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023). Theo đó, Chính phủ kiên định giữ vững ổn định vĩ mô, thúc đẩy phát triển các động lực tăng trưởng mới; chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời tập trung vừa xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, vừa thực hiện hiệu quả các giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển 5 năm đề ra.

* Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Andrea Coppola:

Kinh tế Việt Nam vững vàng qua đại dịch

Chuyên gia Kinh tế Andrea Coppola

Qua thống kê, khảo sát, các số liệu cho thấy, trong khi các nước trên thế giới đang quan ngại về tình hình lạm phát, Việt Nam vẫn đang thực hiện linh hoạt các chính sách kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam ở mức thấp so với thế giới. GDP tăng trưởng ở mức khả quan. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế tương đối hợp lý, tỷ lệ đóng góp của khối ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế khá lớn và không ngừng tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Trong quý II/2022, khối ngành công nghiệp và dịch vụ có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó, ngành kinh doanh nhà hàng, khách sạn có bước tăng trưởng nhảy vọt. Điều này cho thấy nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19 và những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng đang có được đà hồi phục ấn tượng.

Việt Nam đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ, chính sách tiền tệ linh hoạt và hệ thống ngân hàng được tăng cường. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh tích lũy đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

* Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp:

Đề nghị sớm sửa đổi đơn giá, định mức để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công

"Lội ngược dòng", tăng trưởng kinh tế có thể đạt 7%
Ông Nguyễn Quốc Hiệp

Những nội dung thảo luận tại diễn đàn cơ bản đã đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp. Các ý kiến nêu ra tại hội thảo đã bám sát thực tế của doanh nghiệp (thiếu vốn, khó tiếp cận các gói hỗ trợ do thủ tục phức tạp, khan hiếm lao động…). Những giải pháp đề ra được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế triển khai còn chậm, trong đó có gói giải ngân đầu tư công. Để thực hiện giải ngân, đầu tư các dự án hạ tầng không thể không nhắc đến vai trò của các doanh nghiệp xây dựng.

Trên thực tế, các doanh nghiệp xây dựng đang gặp rất nhiều khó khăn do bị nợ đọng. Có doanh nghiệp hoàn thành công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, song đến nay vẫn chưa được quyết toán. Có doanh nghiệp vốn sở hữu có 800 tỷ đồng nhưng nợ đọng lên tới gần 1.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đơn giá định mức lạc hậu cũng đang là rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp. Hiện, giá thực tế của nhiều hạng mục xây dựng cao gấp 3 lần đơn giá định mức. Điều này khiến doanh nghiệp rất e ngại.