Nhiều ngân hàng đã công bố lợi nhuận quý IV

Đến thời điểm 26/12, đã có 16 ngân hàng trong số các ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2023.

Diễn biến lợi nhuận của các ngân hàng không đồng đều, trong khi có những ngân hàng đạt tăng trưởng lợi nhuận khá mạnh thì có nhiều ngân hàng khác lại sụt giảm lợi nhuận.

Lợi nhuận ngân hàng phân hóa mạnh, giá vàng tăng vào cuối tuần
Saigonbank đạt tăng trưởng lợi nhuận rất cao, nhưng do so sánh với nền lợi nhuận thấp cùng kỳ năm trước. Ảnh: T.L
Tổng lợi nhuận 4 ngân hàng lớn nhất của Mỹ tăng 23% trong quý III/2023 “Tháo khoán” cho các ngân hàng giải ngân nhanh, giá vàng tăng nhiệt

Saigonbank là ngân hàng gây ấn tượng khá mạnh với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong quý IV, với mức tăng 9.146% so với quý IV/2022. Mặc dù lợi nhuận của Saigonbank bứt phá rất mạnh tính theo tốc độ tăng trưởng, nhưng thực chất sự so sánh này dựa trên nền lợi nhuận rất thấp của ngân hàng này quý IV/2022 với chỉ 1 tỷ đồng lợi nhuận thời điểm đó. Tuy vậy, với kết quả lợi nhuận 84 tỷ đồng trong quý IV/2023, Saigonbank vẫn đạt tổng lợi nhuận cả năm 2023 là 332 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2022.

Trích lập dự phòng làm ảnh hưởng lợi nhuận một số ngân hàng

Diễn biến tài chính cho thấy, một số ngân hàng mặc dù đạt tăng trưởng tín dụng tốt và thu nhập lãi thuần cũng đạt tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên, việc phải trích lập dự phòng đã làm một số ngân hàng sụt giảm đáng kể lợi nhuận.

Một trong những ngân hàng khác có được tăng trưởng lợi nhuận cao là LPBank với giá trị lợi nhuận quý IV/2023 là 3.353 tỷ đồng, tăng 287% so với cùng kỳ năm trước; cả năm 2023 đạt 7.039 tỷ đồng, tăng trưởng 24%.

Trong khi đó, một số ngân hàng khác lại đối diện với thực trạng suy giảm lợi nhuận. Chẳng hạn như VIB đạt lợi nhuận quý IV/2023 là 2.378 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ, nhưng cả năm vẫn tăng 1%; TPBank đạt lợi nhuận quý IV/2023 là 630 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ, cả năm đạt 5.589 tỷ đồng, giảm 29% so với năm trước. Riêng PGBank bị thua lỗ 5 tỷ đồng trong quý IV/2023, theo đó lợi nhuận cả năm 2023 đạt 356 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.

Tỷ giá tăng nhẹ

Tỷ giá trung tâm và tỷ giá niêm yết tại ngân hàng thương mại diễn ra theo xu hướng tăng nhẹ trong tuần vừa qua.

Tỷ giá trung tâm hôm thứ hai đầu tuần được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.031 đồng/USD sau đó liên tục diễn ra trong bối cảnh biến động rất nhẹ 3 ngày liên tiếp, trước khi tăng nhẹ vào hôm thứ sáu cuối tuần với mức 24.036 đồng/USD.

Trong khi đó, tỷ giá tại Vietcombank diễn ra theo xu hướng tăng khá đều trong tuần, khi mở đầu tuần hôm 22/1 với tỷ giá bán ra là 24.705 đồng/USD. Sau đó, ngân hàng này nâng dần tỷ giá bán ra với mức 24.730 đồng/USD vào hôm 23/1, nâng tiếp lên 24.770 đồng/USD vào hôm 24/1 và chốt phiên thứ sáu cuối tuần ở mức bán ra là 24.780 đồng/USD.

Diễn biến tình hình xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 1/2024 theo thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại vẫn trong tình trạng xuất siêu ở mức 0,38 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 15,09 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, xu hướng cho thấy xuất khẩu đang trong trạng thái giảm 7,5% so với kỳ trước (nửa cuối tháng 12/2023), còn nhập khẩu có xu hướng tăng 7,6% so với kỳ trước.

Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng Đô la Mỹ đang diễn ra trong chu kỳ phục hồi và hiện đang ở mức 103,68 điểm.

Lợi nhuận ngân hàng phân hóa mạnh, giá vàng tăng vào cuối tuần
Cần có những chính sách hợp lý để phát triển thị trường vàng. Ảnh: T.L

Giá vàng giảm đầu tuần, nhưng tăng trở lại

Giá vàng mở đầu tuần mới với diễn biến giảm so với cuối tuần trước, ghi nhận mức bán ra 76,02 đồng/lượng đối với vàng miếng SJC 9999. Tuy nhiên, giá vàng được các công ty vàng niêm yết theo động thái tăng dần trong các ngày trong tuần, đến chiều ngày 26/1, giá vàng miếng SJC 9999 được bán ra ở mức 76,8 triệu đồng/lượng.

Trong tuần qua, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã có buổi tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững”. Tại đây, các chuyên gia cho rằng, thời gian qua, các cơ chế, chính sách về quản lý, phát triển thị trường vàng ở nước ta được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, không ngừng bổ sung và hoàn thiện. Qua đó, thị trường vàng cơ bản có sự phát triển ổn định, có những đóng góp hết sức hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường vàng của Việt Nam cũng còn những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau liên quan đến cơ chế, chính sách, tâm lý người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, trong tình hình hiện nay, rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý. Chắc chắn chúng ta phải nghĩ đến chuyện thay đổi, sửa đổi quy định Nghị định số 24/2012/NĐ-CP này, chẳng hạn, không nhất thiết phải độc quyền nhà nước về một thương hiệu vàng.

Thị trường vàng thế giới biến động không nhiều, nhưng mặt bằng giá hiện tại tương đối thấp so với mặt bằng tại thời điểm đầu tháng 1/2023, với giá giao dịch tại thời điểm chiều ngày 26/1 theo giờ Việt Nam khoảng 2.020 USD/ounce.

Nên quan niệm coi vàng cũng là một loại hàng hóa thông thường

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết trên thế giới, các ngân hàng trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng bởi họ quan niệm vàng là một loại hàng hóa thông thường. Tại các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan…, Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý về ngoại hối, điều tiết các dòng tiền ngoại tệ.

Theo đó, các ngân hàng trung ương ở các nước chỉ có vai trò dự trữ quốc gia, điều phối vàng như là một tài sản để dự trữ quốc gia. Đây là một công cụ để bảo đảm an ninh tiền tệ. Như vậy, ngân hàng trung ương ở các nước không trực tiếp quản lý vàng.