Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023 khó khả thi
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2023 ước đạt 15,91 tỷ USD. Ảnh: TL

PV: Thưa bà, bà đánh giá thế nào về những điểm sáng trong tình hình kinh tế 9 tháng năm 2023?

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023 khó khả thi

Bà Nguyễn Thị Hương: Nhìn chung, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2023 của nước ta duy trì đà tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể là quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%.

Trong đó, có một số điểm sáng đáng chú ý như là sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2023 ước tăng 5,1% (tăng/giảm so với cùng kỳ năm trước). Hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 9 sôi động và duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng ước đạt 8,9 triệu lượt khách, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm 2022.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội có xu hướng tăng cao, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tính đến 20/9/2023 tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức cùng kỳ năm trước là 6,9 tỷ USD.

Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát tốt theo mục tiêu đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%, thấp hơn mục tiêu 4,5% của cả năm 2023.

PV: Bên cạnh những điểm tích cực thì đâu là những mặt hạn chế của nền kinh tế, nhìn thấy qua các con số thống kê, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương: Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, cũng một số khó khăn, hạn chế đã kìm hãm tăng trưởng của 9 tháng năm 2023.

Đó là cầu thế giới phục hồi yếu, lạm phát vẫn ở mức cao, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, chuỗi cung ứng thiếu ổn định đều dẫn tới năng lực sản xuất của doanh nghiệp giảm sút. Động lực từ khu vực sản xuất còn khá yếu do thiếu hụt đơn hàng. Chi phí đầu vào tăng cao. Thị trường xuất khẩu thu hẹp… Hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi chậm do nhu cầu thế giới giảm.

Thị trường bất động sản vẫn tiếp tục ảm đạm, dòng tiền luân chuyển hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn. Thu hút FDI chưa thực sự hiệu quả và bền vững.

Những điều này đã thể hiện qua một số con số như giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 tăng 1,65%, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2023.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng năm 2023 ước tăng thấp 0,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,3%) do đơn hàng sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm. Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm giảm so với cùng kỳ năm trước và giảm ở nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2023 giảm 8,2% và giảm ở nhiều mặt hàng.

Doanh nghiệp thành lập mới có mức vốn đăng ký bình quân sụt giảm mạnh. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng đạt 1.086,8 nghìn tỷ đồng, giảm 14,6%.

CPI tháng 9 tăng 3,66%, là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3 năm 2023. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 4,49%, cao hơn lạm phát chung (3,16%) và là mức tăng cao nhất của cùng kỳ trong 5 năm qua. Đây là một thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ.

PV: Với tình hình như vậy, khả năng tăng trưởng những tháng cuối năm như thế nào, chúng ta có thể đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay không?

Bà Nguyễn Thị Hương: Kinh tế toàn cầu năm 2023 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo sẽ khả quan hơn so với đánh giá đầu năm, do nhận định tăng trưởng 6 tháng cuối năm sẽ khá hơn nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022 từ 0,1 đến 1 điểm phần trăm.

Ở trong nước, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam quý III và 9 tháng đầu năm vẫn đang trong xu hướng cải thiện. Trong 3 tháng cuối năm, kinh tế của Việt Nam vẫn có triển vọng tăng trưởng từ một số yếu tố tích cực.

Đó là, cầu đầu tư sẽ được hỗ trợ lớn từ đầu tư công đang được triển khai ráo riết. Đầu tư công sẽ là đòn bẩy cho các luồng đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư FDI. Cầu tiêu dùng sẽ có thể cải thiện do xu thế tiêu dùng thường tăng vào cuối năm.

Về phía cung, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thể hiện vai trò là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế. Khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo thoát khỏi vòng suy giảm âm từ đầu năm và có dấu hiệu khởi sắc trong quý III sẽ giảm tối đa áp lực cho tăng trưởng.

Hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm có khả năng được cải thiện do hoạt động sản xuất đã bớt khó khăn. Một số nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản có dấu hiệu tăng trở lại.

Lạm phát được kiểm soát hiệu quả sẽ giúp ổn định dòng tiền là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Mặt bằng lãi suất đã giảm và dự kiến lãi suất cho vay khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới sẽ kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Từ các nhận định trên, tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong các quý tới. Dù vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm thì tăng trưởng quý IV cần đạt trên 12%. Đây là điều không khả thi trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

PV: Vậy Việt Nam cần làm gì để có các động lực tăng trưởng mới, vượt qua những thách thức hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Hương: Để phát triển đường dài nhanh và bền vững, Việt Nam cần phải đảm bảo giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới.

Trong bối cảnh hiện nay, việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và chuyển đổi năng lượng, phát triển các mô hình kinh tế hiện đại sẽ là các động lực mới cho nền kinh tế.

PV: Xin cảm ơn bà!

Phát triển mô hình kinh tế hiện đại thành động lực tăng trưởng mới

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, một trong số các mô hình kinh tế hiện đại đang được nhiều quốc gia hướng đến và được coi là một động lực tăng trưởng kinh tế mới là kinh tế ban đêm. Phát triển kinh tế ban đêm sẽ đồng thời thúc đẩy ngành du lịch, một

động lực quan trọng của nền kinh tế trước dịch Covid. Để phát triển mô hình kinh tế ban đêm, cần tổ chức tốt các mô hình phố đi bộ, chợ đêm, các chương trình nghệ thuật, vui chơi, giải trí và cơ sở hạ tầng hỗ trợ như phương tiện công cộng...