Nâng sức cạnh tranh hàng Việt trước

Doanh nghiệp Việt cần giảm chi phí giá thành, lấy chất lượng là tiêu chí hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh tư liệu

PV: Thị trường Việt Nam đang bị làn sóng thương mại điện tử giá rẻ công phá, ở góc độ chuyên gia thương mại, ông có bình luận ra sao về vấn đề cấp bách này?

Ông Vũ Vinh Phú: Hàng Việt đang đứng trước làn sóng cạnh tranh khốc liệt hơn khi hàng Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử (TMĐT) giá rẻ và hàng hoá các nước khác nhập khẩu ngày càng mạnh mẽ vào thị trường nội địa.

Các nghiên cứu, khảo sát thị trường hàng hoá Trung Quốc thâm nhập vào Việt Nam cho thấy, cùng với việc sản xuất ra hàng loạt sản phẩm tiêu dùng với giá thành cạnh tranh, Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng các trung tâm logictics, các kho hàng sát biên giới, đặc biệt là các trung tâm xử lý đơn hàng tự động dọc biên giới với nước ta.

Đây là điều kiện thuận lợi làm cho thời gian giao hàng của họ đến người tiêu dùng Việt Nam được rút ngắn nhiều, giá cả rất cạnh tranh, thậm chí quá rẻ so với hàng Việt Nam cùng loại khi sử dụng sàn TMĐT xuyên biên giới.

Sức ép từ hàng hóa thời trang và phụ kiện thời trang ở phân khúc trung bình và thấp của Trung Quốc với hàng Việt hiện nay là có thật và ngày càng áp lực, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt. Sâu xa hơn là ảnh hưởng đến thành quả Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được Đảng, Nhà nước phát động trong nhiều năm qua.

Nâng sức cạnh tranh hàng Việt trước

PV: Hệ luỵ của làn sóng TMĐT xuyên biên giới bán hàng giá rẻ ảnh hưởng đến hàng Việt ngay trên sân nhà, ông có thể phân tích rõ hơn về thách thức này?

Ông Vũ Vinh Phú: Theo Bộ Công thương, nhờ công Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam sau 15 năm triển khai, tỷ trọng hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối trong nước tăng trưởng rõ nét, (hàng Việt Nam hiện chiếm trên 85% hàng hóa tại các kênh phân phối hiện đại). Doanh thu bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước.

Mặt khác, chúng ta đang phát triển các mặt hàng nông sản, thực phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP với các chuỗi phân phối... đưa đến người tiêu dùng cũng ngày càng đa dạng với mẫu mã, chất lượng sản phẩm được cải thiện hơn. Hàng Việt Nam, sức sản xuất khá dồi dào, có tiềm năng lớn ngay tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

Về lâu dài, nếu không có các giải pháp căn cơ từ sản xuất, phân phối đến cơ chế, chính sách bảo vệ hàng Việt, sức ép từ làn sóng hàng giá rẻ thông qua các sàn TMĐT xuyên biên giới sẽ đè nặng lên cả những mặt hàng mà chúng ta đang có lợi thế.

PV: Đứng trước thách thức nêu trên, theo ông đâu là giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam duy trì, khẳng định vị thế ngay trên sân nhà?

Ông Vũ Vinh Phú: Hàng Trung Quốc có thế mạnh, nhưng không phải không có những khiếm khuyết đã bộc lộ trong quá trình xâm nhập thị trường Việt Nam. Từng có thời kỳ người tiêu dùng Việt Nam thích mua hàng giá rẻ của Trung Quốc, nhưng qua sử dụng, hầu hết mặt hàng này kém chất lượng, đặc biệt là hàng đưa qua đường tiểu ngạch hoặc nhập lậu.

Cảnh báo mất thị phần ngay trên sân nhà

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã có một số sàn TMĐT hợp pháp hoạt động, nhưng việc rút ngắn thời gian giao hàng và kiểm soát chất lượng sản phẩm chưa thật sự tốt. Đặc biệt là khâu hậu mãi, mỗi khi xảy ra sự việc hàng nhận về bị lỗi, phải đổi trả..., thủ tục rất nhiêu khê và thời gian giải quyết lâu. Như vậy, khi doanh nghiệp Việt không nhanh chóng đổi mới, khắc phục hạn chế, “sân chơi” này sẽ do doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh.

Tuy nhiên những năm gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất từ mặt hàng tiêu dùng hằng ngày (cả trên sản phẩm nông nghiệp) đến các phương tiện sinh hoạt khác với tiêu chí "nhanh, nhiều, tốt, rẻ". Cộng thêm sự tiếp sức của các sàn TMĐT, đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà giữa hàng Việt và hàng ngoại nhập từ nước láng giềng Trung Quốc.

Vì vậy, nếu chúng ta không chịu bứt phá từ khâu sản xuất đến lưu thông phân phối và các giải pháp bảo hộ, hàng Việt sẽ thua ngay trên sân nhà. Thương hiệu của hàng Việt Nam, nhất là hàng nông sản thực phẩm đã xuất khẩu đi hàng trăm nước trên thế giới và đã có chỗ đứng khá vững chắc ở thị trường nội địa cũng sẽ chịu sức ép lớn. Điều này khẳng định hàng hóa thương hiệu Việt ngày càng có chất lượng và có vị trí trên thị trường thế giới. Trong khi đó, lại gặp khó khăn ngay trong nước khi cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập.

Một trong những vấn đề gây ra nghịch lý này là khâu liên kết giữa sản xuất với dịch vụ phân phối; đặc biệt là hoạt động TMĐT của chúng ta chưa ngang tầm. Ngoài ra, chúng ta cần khắc phục, giảm bớt các khâu trung gian trong chuỗi từ sản xuất phân phối tiêu dùng, giảm chi phí vận chuyển logistics, trung gian,… để giảm giá thành sản phẩm.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nhanh chóng áp thuế với hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng

Bộ Công thương cho biết, không chỉ là hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn cũng được kinh doanh trên nền tảng TMĐT.

Điều này đã đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Hàng hóa vi phạm được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh nên khó phát hiện.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hàng Việt, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực TMĐT cần nhanh chóng nghiên cứu đề ra những quy định liên quan để bảo vệ hàng Việt, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt trên sân nhà. Các giải pháp này không trái với cam kết, luật chơi của quốc tế.

Đặc biệt là cần sớm nghiên cứu thay đổi quy định về miễn đánh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng nhằm hạn chế tình trạng hàng giá rẻ Trung Quốc nhập khẩu tràn vào Việt Nam.

Cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cũng cần có giải pháp để đưa hàng đến trực tiếp người dùng, đảm bảo chất lượng, đa dạng, phong phú, giá thành thấp. Đặc biệt, cần quan tâm đến xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, hàng hoá nhất là hàng nông sản thực phẩm. Xây dựng các trung tâm đấu giá vùng kiêm sàn giao dịch, để mua bán công khai minh bạch giữa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước và cả các doanh nghiệp nước ngoài thường xuyên có quan hệ mua bán với giá trị hàng trăm tỷ USD hàng năm, nhất là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Đông Á, Hoa Kỳ…

Bộ Công thương cũng cần phản ứng nhanh đối với các nền tảng TMĐT xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa tuân thủ các quy định của pháp luật (như Temu, Shein, 1688). Lực lượng chức năng như hải quan, quản lý thị trường, cơ quan thuế cần tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa…