Các dự án nạo vét nhiều năm qua gặp rất nhiều khó khăn

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã quy hoạch nhóm 6 cho các nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) (bao gồm cả Phú Quốc và các đảo Tây Nam). Lượng hàng hóa qua các cảng dự kiến đến 2030 đạt mức 250 - 300 triệu tấn/năm... Tuy nhiên, các cảng này có đặc thù nằm ở cửa sông, cho nên mỗi năm chịu lượng bùn bồi lắng tự nhiên lên đến hàng triệu m3. Điều này khiến các chủ đầu tư bắt buộc phải nạo vét hàng năm để đảm bảo độ sâu chuẩn tắc thiết kế cho các luồng và bến cảng tiếp nhận tàu. Tuy nhiên, các dự án nạo vét trong nhiều năm qua đều gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xin cấp giấy phép, dẫn đến các luồng, cảng không thể triển khai được việc nạo vét, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khai thác cảng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế chung của khu vực này.

Toàn cảnh hệ thống xử lý bùn nạo vét thành vật liệu san lấp của MCIC. Ảnh: Trung Dũng
Toàn cảnh hệ thống xử lý bùn nạo vét thành vật liệu san lấp của MCIC. Ảnh: Trung Dũng

Theo quy định bùn nạo vét là vật liệu khi đổ thải gây ảnh hưởng đến môi trường, do vậy các đơn vị muốn duy tu, nạo vét luồng hàng hải phải thực hiện các thủ tục xin giấy phép điểm tập kết bùn nạo vét, lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường, hồ sơ thủ tục nhận chìm vật chất nạo vét và giấy phép giao khu vực nhưng trong thời gian chờ cấp phép thì quá trình bồi lắng vẫn diễn ra, các cảng phải giảm tải trọng tàu tiếp nhận gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác của các cảng.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam đồng hành với Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư công trình hàng hải (MCIC) ngay từ thời gian đầu nghiên cứu để tìm kiếm phương án giải quyết triệt để vấn đề trên. Sau 7 năm nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp và lựa chọn công nghệ, đến tháng 10/2022 MCIC đã chính thức hoàn thành việc chuyển giao công nghệ ống trộn dòng khí nén với Aomi – Tập đoàn xây dựng hàng đầu Nhật Bản, để sản xuất, vận hành và khai thác thành công dây chuyền hệ thống xử lý bùn nạo vét thành vật liệu san lấp. Đây là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay của Nhật Bản chuyển giao tại Việt Nam.

Phát triển kinh tế song song với vấn đề bảo vệ môi trường

Ông Trần Thành Trung – Chủ tịch HĐQT MCIC cho biết, khi ứng dụng công nghệ này, bùn nạo vét không còn bị đổ thải ra biển gây ô nhiễm môi trường mà trở thành vật liệu đầu vào để tạo ra một loại vật liệu san lấp có thể đảm bảo thay thế vật liệu san lấp truyền thống là cát nhiễm mặn trong những năm qua. Sau quá trình xử lý, vật liệu đầu ra đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật cơ lý đảm bảo dùng cho san lấp nền đường phát triển cao tốc, phát triển các khu hậu cần cảng biển, phát triển các khu dân cư lấn biển mới cho ĐBSCL. Đặc biệt, đối với các thành phố có cảng biển đồng thời phát triển du lịch, việc ứng dụng công nghệ này vào thực tiễn có ý nghĩa đặc biệt đối với phát triển kinh tế song song với vấn đề bảo vệ môi trường.

Công nghệ này đã được ứng dụng cho nhiều dự án quy mô lớn trên thế giới chủ yếu nhằm mục đích mở rộng quỹ đất, quy hoạch lấn biển, thi công xây mới cầu cảng, sân bay.

“Hệ thống xử lý bùn nạo vét thành vật liệu san lấp sẽ là lời giải cho hai bài toán khó của ngành nạo vét và ngành san lấp. Nguồn bùn đáng lẽ sẽ phải tìm phương án đổ đi nay được xử lý và ứng dụng xây dựng cảng, khu công nghiệp… Hơn nữa, bùn sau khi được xử lý có cường độ tùy biến và chỉ tiêu kỹ thuật cơ lý vượt trội so với cát truyền thống đảm bảo chất lượng thi công công trình”. - Ông Trần Thành Trung - Chủ tịch HĐQT MCIC.

Hệ thống xử lý bùn nạo vét thành vật liệu san lấp của MCIC được thiết kế dạng modul, có các công suất 500 tấn/h, 1.000 tấn/h; 1.500 tấn/h. Các cụm thiết bị dạng container, có thể bố trí linh hoạt để tiếp nhận và xử lý bùn trên sông, trên biển, trên bờ. Sản phẩm đầu ra được bơm trong đường ống đến 300 - 400m nên hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện địa hình công trình ven sông. MCIC gọi đây là hệ thống Mobile Dredged Mud Treatment Station - MDMT Station (Trạm xử lý bùn nạo vét di động). Hệ thống cũng có thể thi công trên cạn phù hợp với các dự án quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp ven sông có khối lượng san lấp lớn, thi công với thời gian dài.

Theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, dự kiến đến sau năm 2030, tiêu chí “cảng xanh” trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam được áp dụng bắt buộc. “Cảng xanh" tại Việt Nam sẽ được xây dựng trên 6 nhóm tiêu chí chính gồm: Nhận thức về cảng xanh; sử dụng tài nguyên; quản lý chất lượng môi trường; sử dụng năng lượng ứng dụng công nghệ thông tin; giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Chính vì vậy, công nghệ trên ngoài việc tháo gỡ khó khăn về nạo vét và san lấp còn giúp cho ngành hàng hải Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.