Nền kinh tế
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Phương Anh

Doanh nghiệp nội vươn mình xuất khẩu

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2/2024 ước giảm 18% so với tháng trước và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đà phục hồi từ cuối năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2024 cho thấy những tín hiệu khởi sắc. Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19,2%; nhập khẩu tăng 18%.

Tiêu dùng hồi phục ấn tượng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 2/2024 ước đạt gần 510.000 tỷ đồng, giảm 2,3% so với tháng trước đó, nhưng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.031.500 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 14,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5% (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,9%).

Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước vươn lên và có sự bứt phá với kim ngạch xuất khẩu đạt 16,14 tỷ USD, tăng 33,3%, chiếm 27,2%. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 43,2 tỷ USD, tăng 14,7%, chiếm 72,8%. Thống kê cũng cho thấy một điều đáng vui nữa là có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch xuất khẩu và đều đạt mức tăng trưởng dương.

Trong đó, có khá nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực lấy lại đà tăng trưởng, điển hình là dệt may tăng 15%, giày dép tăng 18%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 43,8%, xuất khẩu rau quả tăng 24,6% về trị giá, máy vi tính, điện tử và linh kiện tăng 6,3%...

Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, khác với năm 2023, ngay những tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã nhận được nhiều đơn hàng hơn, nhờ đó khu vực sản xuất cũng sôi động trở lại để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Với sự khởi đầu ấn tượng, nhất là sự vươn lên tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước đã góp phần làm “ấm” lên nền kinh tế vốn đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ tình hình ảm đạm của thế giới. Chúng ta có cơ sở để kỳ vọng hoạt động xuất khẩu trong năm 2024 sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, là một gam màu sáng cho bức tranh kinh tế năm nay.

Tiêu dùng tăng trưởng tốt, đầu tư sôi động

Một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế là tiêu dùng hiện đang có sự tăng trưởng tốt, khác hoàn toàn với sự ảm đạm của một số thị trường lớn của châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nước ta đã tiệm cận mức 2 con số.

Đây là tín hiệu tích cực thể hiện sự ấm lên và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2024 ước đạt 957,23 tỷ đồng, giảm 11,22% so với tháng trước và tăng 29,45% so với cùng kỳ năm trước.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong năm 2024, khu vực dịch vụ tiếp tục là “điểm sáng” của nền kinh tế, với một số ngành hàng có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa như vận tải hàng không, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch...

Nền kinh tế "ấm" lên nhờ các động lực tăng trưởng hồi sinh
Tiêu dùng hiện đang có tăng trưởng tốt. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang rất sôi động. Trong 2 tháng đầu năm cũng ghi nhận các chỉ dấu hồi phục khá mạnh mẽ với con số đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả trên đối lập hoàn toàn với cùng thời điểm này năm ngoái, khi chúng ta đang rất lo ngại vì vốn FDI vào Việt Nam giảm tới 38% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu được dự báo tiếp tục chậm lại, thậm chí là đình trệ thì 2 tháng đầu năm, có 405 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào nước ta, tăng 55,2% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt gần 3,6 tỷ USD, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có nhiều dự án quy mô vốn đầu tư lớn và tập trung chủ yếu vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI mà nước ta đang khuyến khích tăng trưởng nhờ các lợi thế về cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư...

Thực tế cho thấy, Việt Nam có sức hấp dẫn vượt trội đối với các tập đoàn sản xuất công nghệ cao như Apple, Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor… và các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới như: Goertek, Foxconn, Luxshare… Các đối tác này đều đang có kế hoạch chuyển các hoạt động sản xuất và tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Điều này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Để chắp cánh cho các dòng vốn FDI tiềm tăng nêu trên và thực hiện các mục tiêu của năm 2024, Chính phủ xác định ưu tiên cho thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bao gồm xuất khẩu, tiêu dùng và đặc biệt là đầu tư. Trong đó, nước ta sẽ tập trung thu hút đầu tư để phát triển các ngành chip bán dẫn, linh kiện và thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới./.