Nên ưu tiên chính sách tài khóa trong giai đoạn nửa cuối năm 2023

PV: Việc phối hợp tốt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế, thưa ông?

Nên ưu tiên chính sách tài khóa trong giai đoạn nửa cuối năm 2023
TS. Nguyễn Hữu Huân

TS. Nguyễn Hữu Huân: Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là 2 công cụ quan trọng của Chính phủ để điều hành vĩ mô của nền kinh tế. Việc phối hợp 2 công cụ này là rất cần thiết, bởi trong mỗi một thời điểm Chính phủ sẽ có một mục tiêu và các công cụ này đều phải hướng đến mục tiêu chung đó.

Ví dụ như, trong thời điểm Chính phủ đặt ra mục tiêu ưu tiên kích thích tăng trưởng thì chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều phải cùng hướng đến mục tiêu đó... Vì vậy, 2 công cụ này phải được kết hợp hài hòa, đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau.

PV: Cụ thể ở Việt Nam, các công cụ chính sách tiền tệ và tài khóa đang được thực hiện hiệu quả như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Ở Việt Nam thời gian gần đây, chính sách tiền tệ được thực hiện nhiều cho mục tiêu kích thích tăng trưởng, trong đó đáng chú ý nhất là việc thực hiện các đợt giảm lãi suất. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chính sách tiền tệ có thể sẽ không còn nhiều hiệu quả nữa. Chẳng hạn như, việc giảm lãi suất nếu tiếp tục thực hiện nữa thì hiệu quả tác động đến nền kinh tế cũng không nhiều.

Bối cảnh thực tế hiện nay cho thấy, khu vực tư nhân đang suy giảm đầu tư và tiêu dùng. Nếu tiếp tục giảm lãi suất đi chăng nữa thì có thể người dân và doanh nghiệp cũng vẫn không vay tiền để tiêu dùng hoặc đầu tư. Như vậy, dòng tiền cũng không thể bơm thêm ra nền kinh tế để kích thích tăng trưởng.

Trong bối cảnh này, việc quan tâm thực hiện chính sách tài khóa có thể sẽ có giá trị hơn, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Theo tôi, chính sách tài khóa còn nhiều dư địa để phát huy tác dụng tốt hơn so với chính sách tiền tệ.

PV: Vậy theo ông, việc thực thi chính sách tài khóa thời điểm hiện tại nên quan tâm đến yếu tố nào?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Trong bối cảnh khu vực tư nhân suy giảm đầu tư thì việc đẩy mạnh đầu tư khu vực công là cần thiết, để cân bằng tổng cầu cho nền kinh tế. Do đó, chính sách tài khóa nên tiếp tục khuyến khích thúc đẩy đầu tư công, tăng cường các hoạt động chi tiêu của Chính phủ.

Theo quan sát của tôi, các nội dung này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khá quyết liệt trong các văn bản, các cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương thời gian qua.

PV: Ngoài việc đẩy mạnh giải pháp đầu tư công, thời gian qua nhiều chính sách khác cũng đã và đang được thực hiện. Theo ông, các chính sách thực hiện từ giai đoạn dịch Covid-19 đến nay đã có những tác động ra sao đối với nền kinh tế?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Qua quan sát tác động của các chính sách tài khóa - tiền tệ giai đoạn từ dịch Covid-19 đến nay, tôi cho rằng, chính sách đã đem lại nhiều kết quả tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách thường vẫn có độ trễ khá dài, thường phải mất đến 2 - 3 quý chính sách mới bắt đầu có những tác dụng đến nền kinh tế.

Hiệu quả của chính sách thường có độ trễ khá dài

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, hiệu quả của chính sách thường vẫn có độ trễ khá dài, thường phải mất đến 2 - 3 quý chính sách mới bắt đầu có những tác dụng đến nền kinh tế. Qua đó cần phải quan tâm rút ngắn độ trễ của chính sách hơn.

Qua đó có thể thấy rằng, chính sách và chủ trương từ bên trên là khá đúng đắn, nhưng cũng cần phải quan tâm rút ngắn độ trễ của chính sách hơn. Trong đó, một số giải pháp là cải tiến quy trình quy định, nhịp nhàng hơn giữa các cơ quan liên quan… Chẳng hạn như việc thực thi gói hỗ trợ 2% lãi suất, các ngân hàng có thể cần có thái độ tích cực hơn thì việc giải ngân vốn sẽ được khơi thông tốt hơn.

PV: Ông có thể phân tích rõ hơn những yếu tố dẫn đến khó khăn trong việc triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Một trong những khó khăn cho việc triển khai gói 2% lãi suất là một số quy định chưa thật rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong việc xác định đối tượng.

Ngoài ra, việc triển khai thực tế cũng cho thấy có trường hợp ngân hàng “ngại” thực hiện nên đưa ra các yêu cầu về hồ sơ làm khó cho doanh nghiệp. Tôi từng tiếp xúc trực tiếp doanh nghiệp và họ cũng có phản ánh, có trường hợp ngân hàng yêu cầu hồ sơ phải có xác nhận của chính quyền địa phương về việc doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch Covid-19. Tuy nhiên, những giấy tờ này sẽ không thể xin được chính quyền địa phương, họ không cấp những giấy chứng nhận như thế, vì họ không có thẩm quyền chứng nhận những vấn đề đó.

Đó là ở góc độ đơn lẻ ở một số ngân hàng, nhưng ở góc độ cơ chế theo tôi, cũng nên có những cơ chế tạo ra lợi ích nhiều hơn cho ngân hàng để họ tích cực hơn trong việc tham gia.

Chẳng hạn như, Ngân hàng Nhà nước có thể cho phép các ngân hàng tham gia gói hỗ trợ này thì khoản cho vay đó không bị tính trong “room” tín dụng cấp cho ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng cho vay sẽ tích cực hơn, không sợ bị mất bớt “room” ảnh hưởng đến những khoản cho vay khác có thể đem lại lợi nhuận cao hơn cho họ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội:

Điều hành chính sách chủ động, hiệu quả, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp

Nên ưu tiên chính sách tài khóa trong giai đoạn nửa cuối năm 2023

Giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp trong quý II/2023 chỉ tăng 1,56% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp đã khó khăn lại càng thêm khó bởi chuỗi giá trị cung ứng bị đứt gãy, hàng tồn kho, mất bạn hàng đối tác, chưa kể gần đây lại thêm khó khăn về nguồn điện sản xuất…

Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói riêng, Quốc hội, Chính phủ… đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng để tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn, giúp doanh nghiệp mau chóng phục hồi.

Cũng cần khẳng định rằng, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là các chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng của mỗi quốc gia. Trong đó, mỗi chính sách theo đuổi một mục tiêu cụ thể và tuân thủ những quy luật riêng, song đều hướng tới mục đích là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời có mối quan hệ tương tác lẫn nhau cả trong ngắn và dài hạn.

Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn việc điều hành chính sách tiếp tục chủ động, bảo đảm hiệu quả, tiếp tục quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngành sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Điều này rất có ý nghĩa thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra./.