Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra ngày 15/3. Ảnh: H.Y
DN tư nhân lớn lên trong môi trường kinh doanh nhiều rủi ro
Các phân tích được trình bày tại diễn đàn do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 15/3 cho thấy, những năm qua, mặc dù khu vực tư nhân có những bước tiến lớn, song thực lực cơ bản vẫn là "nhỏ bé", "manh mún" và "yếu kém". Một số tập đoàn kinh tế tư nhân trỗi dậy như VinGroup, Hòa Phát, Trường Hải, SunGroup…, song chưa đủ sức làm xoay chuyển bức chân dung tổng thể của khu vực kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, sự lớn mạnh quá nhanh của các tập đoàn kinh tế tư nhân cũng chứa đầy rủi ro
Trong khi đó, tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước vài năm gần đây không đạt như kỳ vọng. Nổi bật hơn cả là sự tăng trưởng mạnh của khu vực FDI, thể hiện xu thế "bành trướng" và "gây áp lực" lên khu vực nội địa.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thực lực, đặc biệt là thực lực cơ cấu, của nền kinh tế cải thiện chậm và rất yếu. Kinh tế tư nhân trong nước, về nguyên tắc phải là lực lượng đóng góp chủ yếu vào GDP thì sau 30 năm đổi mới chỉ đóng góp chưa đến 10%.
Thành phần này có hai đặc điểm quan trọng là số DN "nhỏ và siêu nhỏ" chiếm 95 - 96% tổng số DN. Số lượng DN quy mô vừa quá ít, chỉ chiếm khoảng 1,7% tổng số DN, tạo thành khuyết thiếu cơ cấu nghiêm trọng. Điều này chứng tỏ DN tư nhân Việt Nam rất khó lớn, chậm lớn và cũng khó có lực lượng tốt để phát triển thành DN lớn.
Trong khi đó, có ít các tập đoàn tư nhân lớn và càng có ít hơn số tập đoàn lớn định hướng đầu tư sản xuất, chủ yếu lớn nhờ kinh doanh bất động sản. "Nhóm DN tư nhân lớn của Việt Nam có nhiều cơ hội để lớn lên nhưng lại đối mặt với một môi trường kinh doanh nhiều rủi ro. Lực lượng này lớn lên nhờ đầu cơ là chính. Tài năng của doanh nhân Việt Nam tập trung vào đầu cơ chứ không phải cho đầu tư và cạnh tranh quốc tế, trong khi nguy cơ phạm luật mang tính hiện thực rất cao" - PGS.TS Trần Đình Thiên nhận xét.
Coi DN tư nhân là nền tảng, trụ cột là các tập đoàn kinh tế
Có nhiều nguyên nhân được nêu để giải thích thực trạng yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân, trong đó nguyên nhân nổi bật là thiếu vắng một hệ chính sách nhất quán phù hợp.
Theo ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội DN tư nhân Việt Nam, việc thực thi pháp luật trong toàn xã hội chưa nghiêm, làm chậm quá trình và làm giảm hiệu quả việc thực thi các quyết sách của Nhà nước. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đủ sức bứt phá trong quá trình cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Các DN Việt Nam vẫn phải tiếp tục vật lộn với nạn tham nhũng và sự thiếu bình đẳng. Tuy đã có tiến bộ trong cải cách hành chính, nhưng bộ máy vẫn còn quan liêu, cộng với một vài nơi còn có những cán bộ công chức yếu kém, vụ lợi làm thui chột cơ hội kinh doanh của DN.
Về phía DN, các DN tư nhân Việt Nam chủ yếu là nhỏ, vừa và kinh tế hộ gia đình nên ít có cơ hội tiếp cận được nguồn lực nhất là đất đai và tài nguyên khác. Tổ chức sản xuất, kinh doanh nhỏ, phân tán, kỹ thuật lạc hậu, sức cạnh tranh yếu của DN tư nhân và hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ dẫn đến bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khi thực hiện gia nhập WTO hàng thập kỷ qua.
Đề xuất giải pháp để xây dựng và phát triển lực lượng DN Việt Nam hiện đại, hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, cần nhận diện chính xác xu hướng và bối cảnh phát triển mới như toàn cầu hóa, cách mạng công nghệ, xung đột phát triển và tác động của chúng đến xu hướng phát triển các lực lượng kinh tế, đặc biệt là các DN, trong giai đoạn tới.
PGS.TS Trần Đình Thiên đề xuất xây dựng chiến lược phát triển DN Việt cho giai đoạn phát triển mới, với nền tảng là DN tư nhân và trục cốt lõi là các tập đoàn kinh tế. Định vị theo đúng nguyên tắc thị trường hiện đại vai trò chức năng của từng thành phần, lực lượng kinh tế. Bảo đảm bằng luật các chế tài cụ thể đối với mọi sự xâm phạm quyền tự do kinh doanh của các chủ thể kinh tế (được làm tất cả những thứ nhà nước không cấm).
"Phải coi việc phát triển các thị trường là ưu tiên chiến lược cho 5, 7 năm tới. Nếu các thị trường còn méo mó, kinh tế tư nhân không thể phát triển" - ông Trần Đình Thiên đề xuất.
Đồng thời, Chính phủ cần nhanh chóng thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài; xây dựng lại chiến lược thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài, đặc biệt là chiến lược thu hút FDI, kết hợp với chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài gián tiếp (FII) theo cách tiếp cận mới, được định hướng bởi các mục tiêu phát triển quốc gia cho đến năm 2045, được thiết kế lại phù hợp với tinh thần đẩy mạnh thực hiện cách mạng công nghệ 4.0.
Nhà nước hỗ trợ công cuộc "khởi nghiệp dựa trên đổi mới - sáng tạo", theo các chuẩn mực quốc tế cao; không biến nó thành phong trào toàn dân, hạ thấp tiêu chuẩn phát triển DN, vốn chứa đựng nhiều nguy cơ và rủi ro về mặt chiến lược. Thiết lập và "phổ cập" bắt buộc tiêu chuẩn quản trị của DN châu Âu cho các DN Việt Nam theo lộ trình rõ ràng và chế tài chặt chẽ./.
Hoàng Yến