Ngân hàng Trung ương châu Âu giữ lãi suất ở mức cao kỷ lục để chống lạm phát
Ảnh minh họa

Tuyên bố của ECB khẳng định: "Các quyết định về lãi suất của Hội đồng thống đốc ECB dựa trên đánh giá về triển vọng lạm phát theo triển vọng tích cực của dữ liệu kinh tế và tài chính sắp tới, động lực của lạm phát cơ bản và sức mạnh của chính sách tiền tệ".

ECB kỳ vọng chi tiêu của chính phủ và các hộ gia đình sẽ thúc đẩy phục hồi, nhưng dữ liệu cho thấy một bức tranh u ám hơn, với sản xuất vẫn trong tình trạng suy thoái và dịch vụ giảm nhiệt.

Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể đã rơi vào suy thoái trong quý trước và khởi đầu chậm chạp vào tháng 1, khiến quý hiện tại là quý thứ 6 liên tiếp với tăng trưởng gần như bằng 0 hoặc âm.

Số liệu mới nhất do Liên minh châu Âu (EU) công bố hôm 5/1 cho thấy lạm phát tháng 12/2023 tại khu vực đồng euro là 2,9%, tăng 0,5% so với một tháng trước đó. Tỷ lệ lạm phát tăng trong tháng cuối năm vừa qua chủ yếu do các yếu tố kỹ thuật như hết trợ cấp của chính phủ và giá năng lượng thấp vượt quá số liệu cơ bản dùng để tính tỷ lệ lạm phát.. Tuy nhiên đây là lần đầu từ tháng 4/2023, lạm phát tại 20 nước eurozone tăng tốc.

Giá thực phẩm, đồ uống có cồn, thuốc lá và dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, năng lượng hạ không đáng kể. Những yếu tố này kéo lạm phát lên cao.

Tại hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu là Pháp và Đức, lạm phát cũng tăng trở lại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Đức tháng 12 tăng 3,8%, cao hơn mức 2,3% tháng 11. Tại Pháp, CPI tăng 4,1% tháng 12. Ở cả hai nước này, giá năng lượng tăng đều là nguyên nhân kéo lạm phát đi lên.

Lạm phát tháng 12 tăng trở lại là điều đã được các nhà kinh tế học dự báo từ trước, do các chính phủ đang rút dần khoản trợ cấp hào phóng trong khủng hoảng năng lượng năm ngoái. Bên cạnh đó, nền giá để so sánh năm ngoái ở mức thấp.

Số liệu này cũng phù hợp với dự báo của ECB, rằng lạm phát sẽ chạm đáy trong tháng 11/2023 và sau đó quanh 2,5-3% đến hết năm 2024, trước khi giảm về 2% vào 2025./.