Cụ thể, đối với nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) phát sinh tăng thêm để thực hiện các chế độ, chính sách nhưng chưa được bố trí ổn định trong dự toán chi thường xuyên của ngân sách địa phương năm 2023 (như: chính sách hỗ trợ ngư dân; hỗ trợ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; cấp bù học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; các chính sách an sinh xã hội phát sinh tăng do điều chỉnh tiền lương cơ sở từ 1/7/2023, chi trả tiền lương đối với số biên chế giáo viên được cấp có thẩm quyền giao theo Quyết định số 72-QĐ/TW...), các địa phương chủ động rà soát, chi trả chế độ cho đối tượng thụ hưởng theo quy định.

Ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương trong một số trường hợp
Ảnh: Minh họa.

Trường hợp nhu cầu kinh phí lớn, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, địa phương báo cáo kịp thời gửi Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.

Riêng đối với nhu cầu kinh phí chi trả tiền lương, phụ cấp đối với số biên chế giáo viên được giao bổ sung, theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương, các địa phương báo cáo cụ thể: nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp tỉnh về giao chỉ tiêu biên chế, thời điểm thực tế tuyển dụng, nhu cầu kinh phí thực tế chi trả đối với số giáo viên này... gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Kết thúc năm, căn cứ kết quả thực hiện từng chế độ, chính sách do trung ương ban hành, các địa phương tổng hợp toàn bộ kinh phí tăng thêm gửi Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.