Dự toán chi sự nghiệp y tế tăng 38,5%

Tại nghị quyết, Quốc hội quyết nghị phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2022 theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa NSTW và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho ngân sách địa phương (NSĐP); mức bội thu, mức vay bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc của NSĐP.

Ngân sách ưu tiên hàng đầu cho y tế, chống dịch

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trong dự kiến phân bổ NSTW năm 2022, chi sự nghiệp y tế tăng khá cao so với dự toán năm 2021, cụ thể là 28.560 tỷ đồng, tăng 38,5% so với dự toán năm 2021 là 20.611 tỷ đồng. Đồng thời, ngân sách đã bố trí dự toán khoảng 10.000 tỷ đồng thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, kinh phí mua thuốc, vắc xin, trang thiết bị, phương tiện y tế. Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên giai đoạn 2022-2025 đã quy định tiếp tục bố trí chi cho y tế dự phòng đạt tối thiểu 30% ngân sách y tế và ưu tiên cho y tế cơ sở. Bên cạnh đó, Quỹ phòng, chống Covid-19 là nguồn lực quan trọng cho công tác phòng, chống dịch.

Đối với yêu cầu tăng chi an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, trong phương án phân bổ NSTW năm 2022 đã dự kiến bố trí chi bảo đảm xã hội 89.033 tỷ đồng, nếu tính cả NSĐP là 43.293 tỷ đồng thì tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho lĩnh vực bảo đảm xã hội khoảng 11,9% tổng chi thường xuyên NSNN, cơ bản đáp ứng việc thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, hỗ trợ y tế, trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, để tiếp tục tăng cường nguồn lực trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, UBTVQH đã đề nghị Chính phủ trong điều hành NSNN năm 2022, chủ động cân đối nguồn lực, tiếp tục thực hiện tiết kiệm; cắt, giảm những nhiệm vụ chi chưa cần thiết để dành nguồn bổ sung cho lĩnh vực y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Phương án phân bổ NSTW năm 2022 trình Quốc hội đã tăng cường tiết kiệm chi, giảm bình quân 10% chi thường xuyên; đối với các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền cũng yêu cầu giảm bình quân 15% chi thường xuyên.

Bố trí dự phòng ngân sách cao hơn mức năm 2021

Về bố trí dự phòng ngân sách, để bảo đảm đáp ứng chi phòng, chống dịch trong năm 2022, dự phòng NSNN năm 2022 đã ưu tiên bố trí cao hơn năm 2021, dự kiến là 39.000 tỷ đồng, trong đó dự phòng NSTW là 20.500 tỷ đồng (tăng 17% so với dự toán 2021), dự phòng NSĐP là 18.500 tỷ đồng (tăng 8,8% so với dự toán 2021). Dự kiến chi dự trữ quốc gia bố trí 1.700 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng (tương ứng tăng 41,7%) so với dự toán năm 2021. Trước đó, dự phòng NSNN năm 2021 là 34.500 tỷ đồng, trong đó, dự phòng NSTW là 17.500 tỷ đồng, dự phòng NSĐP là 17.000 tỷ đồng. Phương án phân bổ NSTW năm 2022 đã bố trí riêng 10.000 tỷ đồng chi cho phòng, chống dịch.

Như vậy, trong điều kiện ngân sách khó khăn, dự toán năm 2022 đã cố gắng bố trí dự phòng ở mức cao hơn. Hơn nữa, nhu cầu chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cũng đều là những nhiệm vụ cấp bách trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Hỗ trợ nhiều địa phương có thêm nguồn lực phát triển

Về tỷ lệ để lại cho một số địa phương có điều tiết về NSTW bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, theo quy định của Luật NSNN, sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng tỷ lệ điều tiết về NSTW. Tuy nhiên, một số địa phương có điều tiết về NSTW, nhu cầu chi lớn về hệ thống hạ tầng đô thị, phải tự đảm bảo các chế độ chính sách mới tăng thêm trong thời kỳ ổn định ngân sách và đảm bảo cho cả số dân ngoại tỉnh đến học tập, làm việc và sinh sống trên địa bàn.

Vì vậy, để bảo đảm nguồn lực cho các địa phương này, Chính phủ đã trình Quốc hội dành 16.748 tỷ đồng hỗ trợ 10 địa phương có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh tăng tỷ lệ để lại cho NSĐP thêm 3% (từ 18% lên 21%) để có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng vai trò đầu tàu của nền kinh tế. TP. Hà Nội giai đoạn 2017 - 2021 tỷ lệ điều tiết là 35%; năm 2022 nếu tính theo đúng định mức còn 29%, giảm 6%. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho TP. Hà Nội, tỷ lệ để lại cho NSĐP sẽ chỉ giảm 3%. Bình Dương vẫn giữ tỷ lệ điều tiết 36%. Các địa phương còn lại (bao gồm cả Hà Nam và Ninh Bình), hỗ trợ bảo đảm tỷ lệ điều tiết về NSĐP giảm không quá 9% so với giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, dự phòng NSTW năm 2021 cũng đã hỗ trợ một số địa phương chi cho công tác phòng chống dịch như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…

Ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án hoàn thành bàn giao trước năm 2022

Theo nghị quyết, tổng số thu ngân sách trung ương (NSTW) là 739.132 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương (NSĐP) là 672.568 tỷ đồng. Tổng số chi NSTW là 1.087.032 tỷ đồng, trong đó dự toán 359.982 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho NSĐP.

Tại nghị quyết, Quốc hội yêu cầu bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2022, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch; các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2022; bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng…; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư.