Tăng cường kỷ luật kỷ cương trong thực thi công vụ của công chức

Ngày 15/4, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị triển khai công tác cải cách hiện đại hóa và chuyển đổi số ngành Thuế năm 2024.

Hội nghị có 4 nội dung chính gồm: Triển khai Chiến lược và công tác quản trị chiến lược cải cách hệ thống thuế; cải cách thể chế chính sách, trong đó trọng tâm là định hướng sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và giới thiệu Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Ngành Thuế phấn đấu kết quả cải cách nằm trong vị trí top đầu

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Trung Kiên

Cải cách về công vụ, trong đó trọng tâm là đổi mới lề lối làm việc, nâng cao năng lực trình độ, tăng cường kỷ luật kỷ cương và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của công chức thuế; hiện đại hóa quản lý thuế gắn với chương trình, kế hoạch chuyển đổi số ngành Thuế. Trong đó, trọng tâm là giới thiệu những nội dung cơ bản về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia và của Bộ Tài chính; các chương trình đề án, kế hoạch chuyển đổi số ngành Thuế năm 2024 và các năm tiếp theo.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho rằng, đây là nhiệm vụ cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang có những cải cách mạnh mẽ, công cuộc chuyển đổi số đang có những bước tiến lớn để ngành Thuế giữ vững vị trí hàng đầu trong công cuộc cải cách và ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung.

Người đứng đầu ngành Thuế nhấn mạnh: Chuyển đổi số vốn nằm trong nội hàm của công tác cải cách hiện đại hoá. Vấn đề chuyển đổi số được tách ra bàn luận cho thấy, vai trò vị trí rất quan trọng và đang chuyển động rất mạnh mẽ trong ngành Thuế với mục tiêu bám sát chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, giúp ngành Thuế đi nhanh hơn và phù hợp với mục tiêu chung của Chính phủ cũng như của Bộ Tài chính.

Để đảm bảo công tác cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế được thực hiện thống nhất về nhận thức và hành động từ trung ương đến địa phương, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu từ các bộ phận tham mưu tại tổng cục đến cục thuế các tỉnh, thành phố sẽ tăng cường triển khai công tác cải cách hiện đại hoá và chuyển đổi số ngành Thuế, đảm bảo mục tiêu giai đoạn đề ra.

Tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến

Thông tin về công tác cải cách hiện đại hóa của ngành Thuế trong năm 2023, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, về cơ bản đã đạt được các mục tiêu chung đã đặt ra.

Trong đó, ngành Thuế đã đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử tại Tổng cục Thuế trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, phát triển nhân lực số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu người nộp thuế, phát triển một cách toàn diện, điện tử hóa trong tất cả các khâu nghiệp vụ quản lý thuế, tạo nền tảng phát triển công nghệ thông tin tại Tổng cục Thuế, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Ngành Thuế lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm cải cách

Đại diện các cục, vụ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Qua đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã được phê duyệt tại Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số của Bộ Tài chính đảm bảo phù hợp với năm 2024, năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” theo thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, năm 2024, Tổng cục Thuế đặt ra một số mục tiêu cơ bản, gồm: Tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình đủ điều kiện, liên quan tới người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; các hệ thống thông tin của ngành có liên quan đến người dân, doanh nghiệp được đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế đặt mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 107/QĐ-BTC ngày 28/1/2022 về việc ban hành kế hoạch của Bộ Tài chính triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ít nhất 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; ít nhất 90% hệ thống máy chủ được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây; 100% cán bộ công chức viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản theo lộ trình chung của Chính phủ; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng khai thác dữ liệu và công nghệ số phục vụ cho công tác chuyên môn (mục tiêu đến 2025).

100% nhu cầu kết nối trao đổi thông tin giữa các đơn vị, bộ ngành, tổ chức liên quan được ứng dụng công nghệ thông tin theo lộ trình triển khai các văn bản thỏa thuận, hợp tác giữa các bên.

90% ứng dụng cốt lõi (bao gồm ứng dụng dịch vụ thuế điện tử, ứng dụng quản lý thuế tích hợp, các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực thuế tích hợp với dịch vụ công quốc gia…) đảm bảo độ sẵn sàng hoạt động tại Trung tâm dữ liệu dự phòng thảm họa (DRC) khi có sự cố phát sinh.

Tổng cục Thuế đặt mục tiêu 100% công chức có chức năng, nhiệm vụ phải xử lý công việc ngoài trụ sở cơ quan thuế có thể truy cập hệ thống làm việc từ xa; 100% số tiền nộp thuế điện tử được hạch toán theo thời gian thực nộp./.