Vẫn còn 5% người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế

Việt Nam đang ở độ tuổi trung bình của giai đoạn dân số vàng và đang đứng trước thách thức về mặt già hóa dân số, khi là quốc gia có tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 13 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số. Trong đó có 3,2 triệu người cao tuổi đang hưởng bảo hiểm xã hội, hơn 800.000 người cao tuổi hưởng chế độ người có công; gần 1,9 triệu người cao tuổi hưởng bảo trợ xã hội hằng tháng, trong đó hơn 10.000 người cao tuổi được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi thuộc hộ nghèo được trợ cấp hàng tháng.

Nghiên cứu chính sách để đảm bảo 100% người cao tuổi có bảo hiểm y tế

Người cao tuổi luôn được Nhà nước quan tâm chăm lo sức khỏe. Ảnh: TL

Luật Người cao tuổi quy định, những người từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng thì được mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) từ ngân sách nhà nước. Theo thống kê, hiện cả nước đã có khoảng 12,1 triệu người cao tuổi có thẻ BHYT, chiếm 95% tổng số người cao tuổi.

Có thể thấy, người cao tuổi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo sức khỏe, bảo đảm ngày càng tốt hơn các điều kiện để dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT. Khi sức khỏe người già giảm sút, việc tham gia BHYT là vô cùng cần thiết nhằm đề phòng trước những rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, thống kê cho thấy, hiện vẫn còn 5% người cao tuổi tương đương với hơn 500 nghìn người chưa có thẻ BHYT. Theo báo cáo của cơ quan quản lý người cao tuổi, hiện tại số người cao tuổi chưa có thẻ BHYT hầu hết thuộc nhóm từ 60 đến 79 tuổi, không thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc không thuộc đối tượng chính sách ưu đãi xã hội. Thậm chí có người cao tuổi dù đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ nhưng vẫn không đủ điều kiện, khả năng tài chính để mua thẻ BHYT.

Điều chỉnh mức đóng, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi

Theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí khi đi khám, chữa bệnh BHYT. Còn đối với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng thì được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh.

Về việc vẫn còn 5% người cao tuổi chưa có thẻ BHYT, trong buổi làm việc mới đây với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng cho rằng, phải vận dụng nhiều cách khác nhau để đảm bảo 100% người cao tuổi có BHYT, trong đó có việc kiến nghị Chính phủ giao HĐND các tỉnh/thành phố đánh giá đầy đủ và dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cao tuổi. Dự kiến, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ đề xuất sửa đổi Luật Người cao tuổi vào năm 2024 và sửa đổi tập trung vào những nội dung thiết yếu đặc biệt là rút ngắn độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội, qua đó, rút ngắn độ tuổi người cao tuổi được hỗ trợ mua thẻ BHYT từ ngân sách.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước mắt, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng, mức hỗ trợ đóng BHYT đối với người cao tuổi trên cơ sở tính toán khả năng cân đối quỹ. Cụ thể, cần nâng mức đóng, mức hỗ trợ các nhóm đối tượng tham gia BHYT, trong đó có người cao tuổi cần ưu tiên. Đặc biệt, cần quan tâm hỗ trợ nhóm người cao tuổi từ 60 tuổi đến 79 tuổi tham gia BHYT theo hộ gia đình và hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng phương án huy động ngân sách từ nguồn kinh phí của địa phương để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cao tuổi chưa có thẻ BHYT trên địa bàn, ngoài phần kinh phí đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Về lâu dài, cần đưa nội dung xây dựng, hỗ trợ mức đóng BHYT đối với người cao tuổi vào nội dung vào sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, làm thế nào tất cả các đối tượng đủ điều kiện công nhận là người cao tuổi thì được hưởng đầy đủ mức đóng BHYT do ngân sách nhà nước bảo đảm…

Thiết kế chính sách giảm người hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới vừa tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia quốc tế đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

Về việc Việt Nam có khoảng 120.000 người hưởng lương hưu nhưng cũng có khoảng 800.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và đang gặp khó khăn khi thiết kế chính sách, theo các chuyên gia, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cũng cần có chính sách cho những trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ 5-10 năm để họ đến tuổi nghỉ hưu có thể đạt mức lương cố định. Cần thiết kế chính sách để người lao động không xin nghỉ hưu trước tuổi, tăng độ bao phủ lương hưu xã hội thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước cho những người đang ở độ tuổi nhất định để sau họ về già nhà nước không phải chi trợ cấp xã hội... Đồng thời, có cơ sở dữ liệu về người lao động ở khu vực phi chính thức để thúc đẩy vào họ vào hệ thống bảo hiểm xã hội.