Nhà máy nằm giữa rừng

Ông Nguyễn Văn Tình - nguyên là công nhân Nhà máy in tiền Khánh Thi, năm nay đã bước sang tuổi 95. Dù đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông vẫn còn khá minh mẫn. Ngồi tiếp chúng tôi trong căn phòng rộng chừng 20 mét vuông, nằm sâu trong con ngõ nhỏ của phố Lê Văn Hưu (Hà Nội), ông cứ xuýt xoa vì không thể tham gia cùng đoàn cựu công nhân trở lại Khánh Thi, nơi ông và các đồng nghiệp đã từng có những ngày tháng sống và làm việc cho nhà in đặc biệt này vì lý do sức khỏe.

Lần giở những kỷ vật đã được Bộ Tài chính trao tặng trước đó, mắt ông như sáng lên. Ông nói: “Ngày ấy xưởng in được đặt dưới những tán lá cây trong rừng sâu. Thỉnh thoảng lại có tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời. Những lúc như thế, cả xưởng lại ngừng hoạt động để tránh bị địch phát hiện, cả lán trại im phăng phắc”.

Ông Nguyễn Văn Tình
Ông Nguyễn Văn Tình với Kỷ niệm chương của Bộ Tài chính trao tặng. Ảnh: MN.

Nhâm nhi cốc trà nóng, những ký ức về một thời trai trẻ của ông lại hiện về. “Ngày ấy tôi còn trẻ lắm, mới 25 tuổi và chưa lập gia đình. Vì là một thợ nguội khá giỏi nên tôi được tuyển chọn vào nhà máy in tiền. Công việc của tôi là sửa chữa máy móc nếu có sự cố. Cả nhà máy ngày ấy có chừng 100 công nhân, đa phần còn rất trẻ”.

Kể đến đây ông bỗng chùng xuống, ông nói tiếp: “Những đồng nghiệp của tôi ngày ấy giờ đã tuổi cao, sức yếu, nhiều người đã không còn minh mẫn, nhiều người cũng đã mất. Tôi chỉ tiếc rằng mình không đủ sức khỏe để đi thăm họ”.

Để lưu giữ lại những dấu tích lịch sử của nhà máy in tiền Khánh Thi, Bộ Tài chính đã cho xây dựng Bia di tích lịch sử Nhà máy in tiền Khánh Thi tại thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Gần 70 năm về trước đây cũng là một trong những địa phương được Bộ Tài chính đặt trụ sở làm việc, khởi đầu của nền tài chính cách mạng non trẻ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đồng bạc Cụ Hồ

Mặc dù trong điều kiện khó khăn gian khổ, thiếu thốn của những năm đầu thành lập, những thế hệ cán bộ, nhân viên tài chính đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao. Nhiều đồng giấy bạc tài chính, giấy bạc Cụ Hồ được sản xuất tại Nhà máy in tiền Khánh Thi đã có mặt ở các vùng kháng chiến, góp phần lưu thông tiền tệ Quốc gia, trở thành vũ khí quan trọng đấu tranh với thực dân Pháp trên mặt trận kinh tế - tài chính.

Trong quá trình tìm kiếm tư liệu cho bài viết, ngoài gặp gỡ những nhân chứng là các cựu công nhân Nhà máy in tiền Khánh Thi, chúng tôi đã tìm đọc nhiều cuốn sách viết về ngành Tài chính Việt Nam, trong đó có cuốn “Đồng tiền tài chính Việt Nam” của Nhà Xuất bản Tài chính, phát hành năm 2013.

Cuốn sách có kể về trường hợp bà Chu Thị Mỹ - một người dân ở thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây cũ về những kỷ niệm đối với đồng tiền độc lập đầu tiên, được in trên chiến khu Việt Bắc.

Bà Mỹ kể: “Hôm ấy nhà có giỗ, tôi cùng cô em gái ra chợ mua hương, hoa và mang theo ba vuông lụa đi bán. Gần tàn chợ, vẫn còn vuông vải đỏ chưa có khách mua. Toan về thì một người đàn ông trung niên đạp xe đến xem hàng. Xem xong ông rút ra nột tờ bạc xanh nhìn rất mới lạ và nói: “Tôi mua vải cho cơ quan của Chính phủ cách mạng. Đây là tiền của Chính phủ mới phát hành, tiền của Cụ Hồ, tôi không biết đắt rẻ thế nào nhưng cứ trả chị 100 đồng”.

Hai chị em bà Mỹ ríu rít hỏi chuyện người mua hàng, cùng lúc đó cả chợ đổ xô ghé mắt xem kỳ được đồng tiền mới của Chính phủ. Bán vải xong hai bà phải mua đồ làm giỗ, nhưng vì không muốn trả đồng tiền Cụ Hồ nên cả hai không biết làm thế nào. Cuối cùng họ dẫn nhau về nhà với thúng, làn không.

Đám giỗ không có cỗ bàn nhưng cả họ, cả làng sum họp vui mừng khôn xiết như có hội lớn, vì họ được nhìn tận mắt tờ giấy bạc Cụ Hồ. Tờ giấy bạc 100 đồng đó được mẹ bà Mỹ bày lên bàn thờ như báo cáo với tổ tiên rằng người Việt Nam, nước Việt Nam đã có đồng tiền riêng, đồng tiền của một quốc gia độc lập.

Một câu chuyện khác là của ông Hà Văn Viết, cán bộ địa chất về hưu ở Nam Dương - Hưng Yên kể lại: “Hôm ấy tôi cơm nắm, cơm vắt đi bộ từ Đại Từ - Thái Nguyên về Hà Nội để vay tiền người anh mua xe đạp. Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy đồng tiền Việt Nam màu xanh, màu vàng, màu nâu có hình ảnh Bác Hồ với cảnh làng quê thanh bình.

Tôi xúc động đến rơi nước mắt vì biết là dân mình đã có đồng tiền riêng. Tôi quyết không mua xe đạp mà giữ những đồng tiền quý giá ấy và đi bộ về nhà. Cả làng xúm vào xem tiền của Chính phủ, cán bộ lãnh đạo xã cũng đến xem và xin được cầm trên tay một lát. Hôm sau, lãnh đạo xã lại xin tôi cho mượn những tờ tiền mới đem ra xã trưng bày cho người dân trong xã cùng xem. Ai cũng vô cùng xúc động…”./.

Nhật Minh