Nhận diện sớm các rủi ro trên thị trường tài chính

Hội thảo nhằm mục đích tạo diễn đàn trao đổi, lấy ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế về đánh giá, nhận diện các rủi ro đối với thị trường tài chính quốc tế và trong nước; một số vấn đề cần quan tâm trong giám sát tập đoàn tài chính; các đề xuất, kiến nghị nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường tài chính, góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh thị trường tài chính.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện các cơ quan Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, một số Viện Nghiên cứu, trường đại học, tổ chức tài chính và đại diện một số tổ chức quốc tế: WB, IFC, KOICA, Cơ quan Giám sát tài chính Hàn Quốc.

Nhận diện sớm rủi ro để tránh nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính

Toàn cảnh hội thảo diễn ra ngày 17/12

Tại hội thảo, ông Dương Hồng Hà - Phó Trưởng ban Ban giám sát tổng hợp - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chỉ ra rằng, hiện nay thị trường tài chính Việt Nam ở 3 khu vực chính là ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm đều có phát triển nhanh chóng, tương đối đầy đủ.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số vấn đề như tỷ lệ tín dụng/GDP ở nước ta cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tín dụng tập trung đáng kể vào lĩnh vực bất động sản. Nợ xấu và tài sản xấu còn tồn đọng tại một số tổ chức tín dụng trong giai đoạn tái cơ cấu trước. Một số ngân hàng thương mại tái cơ cấu chưa thành công. Thị trường mua bán nợ chưa phát triển.

Trong lĩnh vực chứng khoán, quy mô thị trường trái phiếu nhỏ so với thị trường cổ phiếu; phát hành trái phiếu doanh nghiệp 95% thông qua hình thức riêng lẻ; ngành tài chính - bất động sản - xây dựng chiếm gần 70% vốn hóa và thanh khoản thị trường cổ phiếu và vốn huy động từ cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp. Mức độ biến động của chỉ số chứng khoán lớn. Nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 80% giao dịch cổ phiếu. Dòng tiền và số lượng nhà đầu tư mới tăng nhanh trong khi số lượng hàng hóa mới chưa nhiều...

Từ thực tế này, ông Dương Hồng Hà cho rằng, lĩnh vực ngân hàng cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém. Chuyển dần sang sử dụng công cụ gián tiếp, dỡ bỏ dần biện pháp hành chính về lãi suất; tăng tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và khả năng dự báo chính sách; xây dựng khuôn khổ pháp lý hoạt động mua bán nợ để tăng cường xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống cảnh báo sớm rủi ro, cơ chế xử lý khủng hoảng hệ thống và xử lý các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro cao; tăng cường niêm yết các doanh nghiệp chứng khoán quy mô lớn; sửa đổi quy định tạo thuận lợi cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng; đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động; rút ngắn chu kỳ thanh toán cổ phiếu về T+2; tăng cường quy định công bố thông tin, mức xử phạt vi phạm đối với cổ đông nội bộ, cổ đông lớn.

Kiểm soát cung tiền, đảm bảo dự trữ ngoại hối

Theo TS. Phùng Thế Đông - Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, các dấu hiệu cảnh báo khủng hoảng tiền tệ tại Việt Nam chủ yếu là khủng hoảng nợ, tín dụng tăng trưởng nóng, lạm phát tăng, lãi suất thực cao và giá dầu thế giới, suy giảm tổng phương tiện thanh toán (M2)/dự trữ ngoại hối và xuất khẩu giảm.

Để kiểm soát rủi ro, TS. Phùng Thế Đông kiến nghị, cần kiểm soát lạm phát tốt, các nhà hoạch định chính sách cần phải chủ động và linh hoạt trong việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý một cách hợp lý, tránh gây cú sốc đến tâm lý người tiêu dùng; đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bền vững về cả số lượng và chất lượng. Cùng với đó, có chính sách kiểm soát cung tiền M2; đảm bảo dự trữ ngoại hối bởi suy giảm dự trữ ngoại hối là nguyên nhân xảy ra khủng hoảng tiền tệ cao.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần đẩy mạnh giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô. Để giảm xác suất xảy ra khủng hoảng tài chính, cũng như hạn chế tối đa tác động tiêu cực, cần có chính sách hợp lý để kiểm soát cung tiền, lạm phát, lãi suất và tỷ giá; đảm bảo tăng trưởng huy động hợp lý, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhận diện sớm rủi ro để tránh nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính
Chuyên gia trình bày tại hội thảo

Đối với thị trường trái phiếu, để khắc phục những bất cập và giảm thiểu rủi ro, PGS.TS Trần Đăng Khâm và PGS.TS Nguyễn Thị Minh Huệ (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) kiến nghị giải pháp trước hết cần đẩy mạnh công tác truyền thông, minh bạch hóa thông tin và tăng cường công tác truyền thông tới tất cả các đối tượng tham gia thị trường và công chúng có tác dụng quan trọng trong bình ổn tâm lý, hạn chế các tin đồn thất thiệt và duy trì lòng tin đối với thị trường.

Đẩy mạnh truyền thông cũng làm cho các quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán nói chung và về thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng đến được với các đối tượng tham gia thị trường, góp phần làm tăng tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, nâng cao nhận thức của các thành viên, củng cố kỷ luật thị trường.

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới (WB), hệ thống tài chính Việt Nam rất năng động và tăng trưởng mạnh. Các nhóm tài chính đang hoạt động sôi nổi tại Việt Nam, gia tăng xu hướng đa dạng hóa nguồn lợi nhuận qua các nguồn thay thế, phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Các nhóm tài chính có tầm trọng yếu, liên kết với nhau và quan trọng về mặt hệ thống, phù hợp với sự ổn định tài chính. Các nhóm tài chính đang mở rộng ra nước ngoài ở nhiều khu vực pháp lý. Nhóm tài chính mở rộng sang các hoạt động phi truyền thống. Do đó, hiện nay cần có sự giám sát nhóm hợp nhất hiệu quả vì sự an toàn và tính lành mạnh của hệ thống tài chính, cần có sự giám sát để đối phó với rủi ro ổn định tài chính.

Trong tương lai, có nhiều cơ hội để củng cố hơn nữa khung pháp lý của Việt Nam đối với các nhóm tài chính. Mặc dù tất cả các quốc gia trong khu vực đã áp dụng khuôn khổ giám sát nhóm, nhưng tốc độ và mức độ mà họ áp dụng các khuôn khổ đó khác nhau.

Tuy nhiên, xu hướng là hướng tới việc áp dụng các khuôn khổ pháp lý và quy định cho phép các cơ quan giám sát thực hiện hiệu quả hơn các chức năng của họ thông qua sự hiểu biết rõ ràng về cấu trúc nhóm và cơ sở dựa trên rủi ro.

Hội nghị gồm 2 phiên. Phiên 1 có chủ đề: “Cảnh báo sớm rủi ro thị trường tài chính” tập trung thảo luận tình hình thị trường tài chính giai đoạn 2016 - 2021 và một số vấn đề đặt ra cho giai đoạn 2022 - 2025, hoạt động kiểm tra sức chịu đựng của hệ thống ngân hàng Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế về cảnh báo sớm rủi ro thị trường tài chính và khuyến nghị, các thách thức với kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2023.

Phiên 2 có chủ đề “Giám sát tập đoàn tài chính - thực trạng tại Việt Nam và khuyến nghị” tập trung thảo luận về hoạt động giám sát tập đoàn tài chính tại Việt Nam, Các vấn đề trọng yếu trong giám sát tập đoàn tài chính của Hàn Quốc và khuyến nghị, Tập đoàn tài chính và rủi ro đối với ổn định tài chính.